Thừa Thiên-Huế: Triển lãm về thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng

Triển lãm tại Đại Nội Huế giới thiệu đến công chúng hơn 90 Châu bản triều Nguyễn với các nội dung liên quan đến vấn đề “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Hoàng đế Minh Mạng.

Cửu Đỉnh và Hiển Lâm Các. (Ảnh: Vietnam+)

Hưởng ứng Festival Huế 2022, chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (10/6/1982-10/6/2022), chiều 9/6, tại vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức khai mạc Triển lãm “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng qua Di sản Tư liệu Châu bản triều Nguyễn.”

Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 90 Châu bản triều Nguyễn với các nội dung liên quan đến vấn đề “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Hoàng đế Minh Mạng.

Đây là những bằng chứng xác thực từ góc độ tư liệu lịch sử, thông qua đó hậu thế có thể hiểu rõ hơn về tư tưởng của vua Minh Mạng cũng như những nét đặc sắc trong chính sách cầm quyền, thuật trị quốc cũng như công lao, thành quả mà ông đạt được trong suốt thời gian trị vì đất nước đã được lịch sử ghi nhận.

[Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế]

Triển lãm giúp người xem hình dung rõ hơn về Hoàng đế Minh Mạng và bổ sung thêm nhiều thông tin mới, hấp dẫn, thú vị cho du khách trong quá trình tham quan khu vực Đại Nội Huế.

Kim bảo Hoàng đế Tôn thân chi bảo. (Ảnh: Vietnam+)

Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của Thế Tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, được sử sách ghi lại là vị vua anh minh, quyết đoán, tinh thông Nho học và là một nhà chính trị, quân sự tài ba.

Trong 20 năm trị vì đất nước, Hoàng đế Minh Mạng đã thực thi nhiều chính sách quan trọng trên các lĩnh vực như: Cải cách hành chính từ Trung ương đến địa phương, tổ chức lại quân đội, chú trọng việc khai hoang, lập ấp, thủy lợi nhằm phát triển kinh tế, nông nghiệp; duy trì nền khoa cử Nho giáo; lập trường võ và bắt đầu mở khoa thi võ tuyển chọn nhân tài...

Tất cả những vấn đề này đều được thể hiện rất rõ qua Châu bản - tài liệu văn thư hành chính của triều Nguyễn trên mọi lĩnh vực của xã hội đương thời, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới vào năm 2017.

Triển lãm kéo dài đến chiều 31/8./.

Voi chiến. (Ảnh: Vietnam+)

Đỗ Trưởng (TTXVN/Vietnam+)