Thừa Thiên-Huế: Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật
Qua 3 năm triển khai, dự án do USAID tài trợ đã hỗ trợ người khuyết tật tại Thừa Thiên-Huế trên nhiều lĩnh vực như tiếp cận giao thông và công trình công cộng; phòng, chống bạo lực giới...
Ngày 14/8, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả của Dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2021-2024.”
Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) với tổng vốn hơn 4,5 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình gửi lời cảm ơn các đơn vị đối tác và cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ người khuyết tật, đồng hành với tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ mang tính hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình đề nghị, các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật; tiếp tục nhân rộng các mô hình của dự án đem lại, đồng thời chú trọng trong việc xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình công cộng và giao thông nhằm đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội và tạo ra môi trường thân thiện, không có rào cản đối với người khuyết tật; quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá, Dự án đã hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu đã vượt cam kết.
Thông qua các hoạt động, Dự án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, cải thiện tiếp cận các dịch vụ về y tế, pháp lý, công trình công cộng và giao thông cho người khuyết tật; tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào gia đình và xã hội; tăng cường kiến thức và kỹ năng về các chủ đề như: sống độc lập, hòa nhập khuyết tật và tiếp cận vật lý nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật; thúc đẩy việc thực thi các chính sách về sống độc lập, hòa nhập khuyết tật và không phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Qua 3 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ người khuyết tật tại Thừa Thiên-Huế trên nhiều lĩnh vực như: tiếp cận giao thông và công trình công cộng; phòng, chống bạo lực giới; nâng cao năng lực hòa nhập và sống độc lập; chăm sóc sức khỏe, tư vấn pháp luật miễn phí và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng… với hơn 3.000 lượt người khuyết tật được hưởng lợi.
Nhiều mô hình đã đem lại tác động tích cực như: sống độc lập, tiếp cận xe buýt, tư vấn pháp luật…
Đáng chú ý, Dự án đã đưa vào hoạt động 10 tuyến xe buýt tiếp cận bao gồm 42 chiếc xe buýt mới 100% để phục vụ người dân, đặc biệt là người khuyết tật khi tham gia giao thông; tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho hơn 300 phụ nữ khuyết tật; tổ chức 4 khóa tập huấn phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 140 người khuyết tật và người chăm sóc; tổ chức tập huấn về sống độc lập và hòa nhập cho 131 người khuyết tật và gia đình người khuyết tật…/.