Thủ tướng: Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản

Thủ tướng nhấn mạnh phải phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”...

Chiều 29/12, tại Trụ sở Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản; quán triệt tư duy ai quản lý tốt nhất thì giao, việc gì người dân doanh nghiệp làm tốt thì Nhà nước không làm; những gì cấm thì đưa vào luật, không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo...

Cùng dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Thủ trưởng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ là Phó Trưởng và thành viên Ban Chỉ đạo.

Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Đặc biệt là rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy; trao đổi, thảo luận về một số vấn đề khác liên quan đến việc triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Theo Bộ Tư pháp, đến nay 22 bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy có hơn 5.000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2.800 văn bản liên quan thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; gần 1.900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.

Theo Bộ Nội vụ, pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền được quy định chủ yếu trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và một số luật chuyên ngành. Qua rà soát, xác định có hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan 2 Luật trên.

Trong đó, vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các bộ, ngành ngay trong luật chuyên ngành; quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều vấn đề cụ thể; cần xem xét tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề này...

Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh khoảng trống pháp luật và bảo đảm mọi hoạt động bình thường, không bị gián đoạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân, doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cùng với đó sửa đổi các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, uỷ quyền đảm bảo hệ thống luật pháp rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý, không gian cho sáng tạo, phát triển. Đồng thời khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; hướng tới mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, sâu sắc, chất lượng của các Phó Thủ tướng, thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu tham dự Phiên họp. Đồng thời ghi nhận hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 4 phiên họp, rà soát quy định pháp luật hiện hành, làm cơ sở tham mưu hoàn thiện văn bản pháp luật, trong đó có việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, sửa 13 luật nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai điện gió, điện mặt trời... mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực vì sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến về ứng dụng công nghệ số, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu trong tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xử lý các vướng mắc phát sinh. Đồng thời yêu cầu nhanh chóng ban hành các văn bản phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; không để gián đoạn hoạt động trong quá trình sắp xếp, trong đó nghiên cứu khẩn trương trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giao Chính phủ ban hành văn bản để bao phủ được phạm vi, đối tượng có tính nguyên tắc nhằm bổ sung, sửa đổi các văn bản đã ban hành liên quan vấn đề này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo sớm trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội theo quy trình rút gọn.

Thủ tướng nhấn mạnh phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản; đồng thời quán triệt tư duy ai quản lý tốt nhất thì giao, việc gì người dân doanh nghiệp làm tốt thì nhà nước không làm; nhà nước chỉ tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy kiến tạo phát triển và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo...

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi, với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm,” “phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm,” trong đó tập trung tháo gỡ, khơi thông mọi nguồn lực, tập trung cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, cơ quan khẩn trương rà soát để đẩy mạnh phân cấp trong những luật chuyên ngành có quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, điều chỉnh, chuyển nhượng dự án để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư của những dự án trong các lĩnh vực này.

Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không để khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai các nhiệm vụ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cho biết, ngoài các luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cũng rất nặng nề, bao gồm các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự án mới do bộ, ngành đề nghị bổ sung trong năm 2025 để thực hiện nhiệm vụ mới về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao, với dự kiến 49 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Để bảo đảm chất lượng và tính khả thi trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để xem xét, quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Phó Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo ngành và Bộ trưởng liên quan chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định về hỗ trợ đầu tư; Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; về room tín dụng của các ngân hàng cho vay phát triển nhà ở xã hội…, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó trưởng Ban thường trực tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban theo quy định./.