Thủ tướng: Phát triển logistics là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược
Thủ tướng chỉ rõ, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của logistics trong quá trình phát triển đất nước, nhất là với Việt Nam là trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sáng 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức.
Cùng dự sự kiện có: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng số hơn 2.000 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến.
Nền tảng bước đầu cho logistics Việt Nam phát triển
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển dịch vụ logistics gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin... đem lại giá trị giá tăng cao.
Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường.
Tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Năm 2023, cả nước có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới; đến nay toàn thị trường có hơn 5.000 doanh nghiệp logistics. Một số doanh nghiệp đã chứng minh khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Hoa Kỳ.
Trong 9 tháng của năm 2024, cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 36,55 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28,9 nghìn lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung, bên cạnh một số công ty logistics có sự tăng trưởng ổn định, ấn tượng thì các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa ghi nhận sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh, thua lỗ và thậm chí rút khỏi thị trường.
Thời gian qua, Việt Nam tích cực nghiên cứu về các khu thương mại tự do trên thế giới. Đây là một loại hình khu kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics. Hiện tại Việt Nam chưa có khu thương mại tự do.
Diễn đàn Logistics Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức hàng năm từ năm 2013 đến nay. Diễn đàn năm nay nhằm thúc đẩy doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ tiến bộ, hiện đại trong việc vận hành chuỗi cung ứng; tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ; đặc biệt tạo môi trường để liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhằm phát triển logistics Việt Nam.
Với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics,” Diễn đàn muốn gửi đi thông điệp về việc Việt Nam khuyến khích, thu hút phát triển các khu thương mại tự do, nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về logistics, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu thảo luận sôi nổi về tình hình phát triển logistics; tiềm năng, thế mạnh; cơ chế, chính sách, định hướng phát triển logistics Việt Nam.
Đặc biệt, các đại biểu có nhiều tham luận đề xuất định hướng phát triển logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; doanh nghiệp logistics Việt Nam trước bước ngoặt thời đại; kinh nghiệm, xu hướng phát triển logistics và khu thương mại tự do-cơ hội, khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam…
Các đại biểu đề xuất giải pháp thúc đẩy hình thành khu thương mại tự do, cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hóa.
Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng các doanh nghiệp logistics mạnh của Việt Nam, phát triển mạnh hạ tầng giao thông, kho bãi, đổi mới công nghệ, đào tạo, nâng cao nhân lực ngành logistics, phát triển các mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực logistics.
Cùng với đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có chính sách khuyến khích người nước ngoài phát triển logistics Việt Nam như chính sách thuế, thị thực…
Phát biểu tại Diễn đàn, đánh giá vai trò, tiềm năng phát triển logistics, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, nhận thức về phát triển logistics ở Việt Nam được nâng lên; khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách được tiếp tục hoàn thiện.
Hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hòa các phương thức vận tải, bao gồm hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, hạ tầng điện, sóng Internet; đang thúc đẩy khai thác, phát triển không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm…
Cho rằng thể chế còn có những ràng buộc nên một số lĩnh vực như hạ tầng, mô hình hợp tác công-tư còn hạn chế, Thủ tướng cho biết, số doanh nghiệp logistics tiếp tục gia tăng. Phát triển logistics có xu hướng tích cực hơn, phát huy đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ; phát triển nhân lực được đẩy mạnh, nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về logistics của Việt Nam được cải thiện...
Ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực, những kết quả quan trọng về sự phát triển vượt bậc của hệ thống logistics, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, tồn tại trong phát triển như nhận thức vai trò của logistics trong việc xây dựng Việt Nam thành trung chuyển hàng hóa của thế giới còn hạn chế; chi phí logistics tại Việt Nam còn cao.
Quy mô ngành logistics so với quy mô nền kinh tế, thị trường và so với thế giới còn thấp; nhân lực quản lý nhà nước về logistics còn thiếu và yếu. Doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, thiếu cơ chế; mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi còn thiếu; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xử lý cả chuỗi logistics chưa nhiều…
3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ phát triển logistics Việt Nam
Phân tích tình hình thế giới, với quan điểm “sáng tạo để bay cao, đổi mới vươn xa, hội nhập để phát triển” và xác định phát triển logistics là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên để phát triển đất nước, Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cho phát triển logistics.
Để góp phần tăng trưởng GDP của đất nước ở mức 2 con số trong năm tới, phải giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15% trong năm 2025; nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu đạt 20%; nâng quy mô logistics của Việt Nam trong quy mô logistics thế giới từ 0,4% lên 0,5%, phấn đấu đạt 0,6%; tốc độ tăng trưởng của ngành logistics 14-15% nâng lên 20%.
Thủ tướng chỉ rõ, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của logistics trong quá trình phát triển đất nước, nhất là với Việt Nam là trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng khắc biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Đột phá về thể chế, hoàn thiện thể chế để ngành logistics phát triển đúng theo 3 mục tiêu, góp phần đưa đất nước đạt tăng trưởng 2 con số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.
Phát triển hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trong đó phải đẩy mạnh, phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng quản trị thông minh, nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics đồng phải đẩy mạnh, hiện đại hóa logistics trong nội địa.
Xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do; kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và cao tốc để kết nối các khu thương mại tự do của thế giới, kết nối hệ thông giao thông quốc tế.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tập trung xây dựng quốc gia thương mại tự do; hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; xây dựng các khu thương mại tự do quốc tế.
Nhấn mạnh, Chính phủ với vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tạo cơ chế huy động nguồn lực, tạo môi trường phát triển và thiết kế công cụ giám sát kiểm tra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng tính chủ động, tự lực, tự cường, tự chủ trong phát triển logistics, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Các doanh nghiệp nâng cao tính tự chủ, tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng thể chế, với phương châm “hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; giải quyết tốt mối quan hệ thị trường, Nhà nước và xã hội, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."
Nêu rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới; nước ta đang thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trên tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với bước đi, nền tảng ban đầu quan trọng, ngành logistics Việt Nam sẽ hòa cùng khí thế chung của cả nước, bước vào thời kỳ phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển logistics và năng lượng của cả nước./.