Thủ tướng Pháp nhượng bộ trong vấn đề cải cách lương hưu
Ngày 5/2, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu, theo đó cho phép những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ được nghỉ hưu sớm.
Ngày 5/2, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu, theo đó cho phép những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ được nghỉ hưu sớm. Động thái này của Thủ tướng Borne được cho là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ bảo thủ trong quốc hội đối với kế hoạch cải cách lương hưu.
Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron muốn tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi cũng như kéo dài thời gian nộp các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Kể từ khi liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Macron mất thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, bất cứ kế hoạch cải cách nào trong quốc hội cũng cần phải có sự ủng hộ của đảng bảo thủ Les Republicains để thông qua.
Trả lời phỏng vấn của tờ Journal du Dimanche, Thủ tướng Borne cho biết những người lao động bắt đầu đi làm trước 20 tuổi sẽ tiếp tục được phép nghỉ hưu sớm, ở tuổi 63, theo kế hoạch cải cách. Theo bà Borne, với đề xuất này, 30.000 người lao động có thể được nghỉ hưu sớm, và tiêu tốn 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) mỗi năm.
Bà cũng cho biết sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất từ những nghị sĩ bảo thủ nếu những đề xuất này mang lại lợi ích cho nhiều người lao động hơn.
Trong một phản ứng, người phát ngôn của đảng Những người Cộng hòa tại Hạ viện Pháp, nghị sĩ Pierre-Henri Dumont cho rằng nhượng bộ của chính phủ không đủ để giành được sự ủng hộ của các thành viên đảng này. Ông cho hay đảng này đã đề xuất một biện pháp có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm nghìn người lao động mỗi năm.
[Thủ tướng Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên]
Chính phủ của Thủ tướng Borne đã phải đối mặt với làn sóng đình công trên cả nước kể từ khi trình bày kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu vào ngày 10/1 vừa qua. Sau cuộc đình công quy mô lớn với hơn 1 triệu người lao động tham gia hôm 19/1, Chính phủ Pháp đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể điều chỉnh một số biện pháp, bao gồm các ưu đãi đặc biệt dành cho những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ, tăng hỗ trợ dành cho những bà mẹ phải nghỉ việc để chăm con hoặc những người mong muốn nâng cao trình độ học vấn.
Tuy nhiên, điều khoản về nâng độ tuổi nghỉ hưu không được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Elizabeth Borne ngày 29/1 khẳng định "hiện đây không phải vấn đề có thể đàm phán". Trong khi đó, các nghiệp đoàn đều phản đối đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, cho rằng cải cách này là "không công bằng."
Bộ Lao động Pháp ước tính cải cách hệ thống lương hưu sẽ mang lại cho nước này thêm 17,7 tỷ euro (19,18 tỷ USD) đóng góp lương hưu hằng năm.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng có nhiều cách khác để tăng doanh thu, như đánh thuế người siêu giàu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn./.