Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Cần Giờ là thành phố trong rừng

Thủ tướng nhấn mạnh với hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phải quy hoạch xây dựng Cần Giờ thành đô thị trong rừng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo huyện Cần Giờ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau khi chủ trì Hội nghị ra mắt và triển khai hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, chiều 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã di chuyển bằng tàu thủy khảo sát Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ và Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến khảo sát nhằm xem xét, thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; đặc biệt, xây dựng Cần Giờ từ huyện nghèo, giàu tiềm năng thành đô thị vệ tinh, thông minh, văn minh, sinh thái, hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Cùng đi có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

[Cần đánh giá năng lực, dự báo hàng hóa cảng trung chuyển Cần Giờ]

Khu Đô thị Du lịch Lấn biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng; được xây dựng bên khu vực rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên để phát triển thành khu du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, dự kiến đặt tại cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép-Thị Vải, huyện Cần Giờ, có độ sâu khoảng 14m, đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến hơn 232.000 tấn (tương đương sức chở 24.188 teus) giảm tải.

Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 teus). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63ha với công suất khoảng 16,9 triệu teus.

Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.

Theo đề án nghiên cứu, sau khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 34.000-40.000 tỷ đồng/năm, tạo ra 6.000-8.000 việc làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sau khi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm định hướng phát triển khu vực Cần Giờ nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển Thành phố; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ với tư duy mới, đặt trong tổng thể quy hoạch Thành phố.

"Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phải quy hoạch xây dựng Cần Giờ thành đô thị trong rừng," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phát triển huyện Cần Giờ nói chung và Khu Đô thị Lấn biển Cần Giờ nói riêng phải giải tỏa, khắc phục và hỗ trợ, giảm áp lực ùn tắc giao thông, môi trường sống và nhà ở cho dân cư của khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, phát triển Cần Giờ phải theo tư duy mới, tầm nhìn mới, đánh giá kỹ lưỡng phát triển Cần Giờ theo hướng sinh thái, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên; quy hoạch phải tận dụng tối đa trong lòng đất, trong đó có ngầm hóa các hạ tầng cứng.

Đối với Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Cảng có vị trí thuận lợi, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông; rất có tiềm năng phát triển, phù hợp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một đầu mối hàng hải, logistics trong khu vực.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy quá trình nghiêm cứu, xây dựng đề án phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam; phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước; đánh giá năng lực cạnh tranh với các cảng trong khu vực như tại các nước Singapore, Malaysia...; tổ chức đánh giá kỹ tác động môi trường từ dự án; xây dựng các hạ tầng giao thông kết nối…

Cùng với đó, chủ động tiến hành đào tạo nguồn nhân lực và các yếu tố cần thiết sẵn sàng vận hành cảng theo hướng thông minh, đẩy mạnh tự động hóa, quản lý vận hành bằng công nghệ số, quản trị hiện đại, xây dựng cảng xanh, cảng sạch, không gây ô nhiễm môi trường; đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 để Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung phát triển nhanh, bền vững./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)