Thủ tướng Nhật Bản chỉ đạo xây dựng kế hoạch kinh tế, tài chính dài hạn
Kế hoạch mới kéo dài 6 năm kể từ tháng 4/2025 sẽ thúc đẩy năng suất và đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng thực hằng năm hơn 1% theo hướng ổn định và "tái khôi phục sức khỏe tài chính."
Ngày 4/6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo chính phủ xây dựng kế hoạch kinh tế, tài chính dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau gần 2 thập kỷ giá cả sụt giảm và kinh tế đình trệ.
Phát biểu tại Hội đồng Chính sách và Kinh tế (CEEP), Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản đang đứng trước những cơ hội to lớn để thoát khỏi nền kinh tế chú trọng vào cắt giảm chi phí và bước vào một giai đoạn mới.
Theo ông Kishida, kế hoạch mới kéo dài 6 năm kể từ tháng 4/2025 sẽ thúc đẩy năng suất và đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng thực hằng năm hơn 1% theo hướng ổn định và "tái khôi phục sức khỏe tài chính."
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản không nêu thêm bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch trên.
Thủ tướng Kishida đưa ra chỉ đạo trên sau khi các thành viên khu vực tư nhân của CEEP đề xuất một kế hoạch như vậy. Cụ thể, các thành viên này cho rằng trong khuôn khổ trung hạn mới, CEEP nên đưa Nhật Bản tiến đến một giai đoạn mới, từ đó mở rộng nền kinh tế, giúp phục hồi cả kinh tế và củng cố tài chính.
Ngoài ra, với việc cho rằng khi lãi suất cao hơn có thể làm tăng gánh nặng trả lãi đối với các khoản nợ của chính phủ, các thành viên khu vực tư nhân của CEEP cũng kêu gọi chính phủ bám sát mục tiêu đạt thặng dư ngân sách cơ bản trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026, đồng thời đặt ra mục tiêu mới bên cạnh việc khôi phục sức khỏe tài chính.
Trước đó vào tháng 3 năm nay, trong động thái mang tính bước ngoặt, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định ngừng thực thi chính sách lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Quyết định này được đưa ra khi lạm phát tại Nhật Bản vượt mục tiêu 2% trong hơn một năm qua./.