Thủ tướng Haiti ra lệnh khẩn cấp sau vụ tấn công máy bay thương mại

Tân Thủ tướng Haiti Alix Didier Fils-Aimé đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công và chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật giành lại quyền kiểm soát sân bay.

Tân Thủ tướng Haiti Alix Didier Fils-Aimé. (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, tình hình bạo lực tại Haiti tiếp tục diễn biến nghiêm trọng khi các băng nhóm vũ trang tấn công máy bay thương mại của Mỹ tại sân bay quốc tế ở thủ đô Port-au-Prince ngày 11/11.

Sự việc khiến Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải cấm các hãng hàng không Mỹ hoạt động tại quốc gia này trong 30 ngày.

Ngày 14/11, tân Thủ tướng Haiti Alix Didier Fils-Aimé đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công và chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật giành lại quyền kiểm soát sân bay. Cảnh sát Quốc gia Haiti đã triển khai thêm lực lượng để tăng cường an ninh khu vực Tabarre, phía Bắc thủ đô.

Theo số liệu ngày 13/11 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), bạo lực từ ngày 11/11 đã buộc 4.372 người phải di dời, trong đó 3.586 người ở thủ đô Port-au-Prince. Phần lớn người di tản đang trú ẩn tại 8 điểm tập trung, số còn lại tạm trú tại nhà dân địa phương.

Tình hình an ninh tiếp tục xấu đi khi các cuộc đụng độ giữa liên minh băng đảng Vivre Ensemble và cảnh sát khiến số người thiệt mạng tăng cao trong những ngày gần đây.

Hoạt động xã hội tại Haiti đã tê liệt ngày thứ tư liên tiếp, trường học và doanh nghiệp đóng cửa. Nhiên liệu khan hiếm, giá cả tăng cao trên thị trường chợ đen.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, riêng trong quý 3/2023, hơn 1.200 người thiệt mạng và 522 người bị thương do bạo lực băng nhóm tại Haiti, nâng tổng số nạn nhân từ đầu năm lên 4.900 người.

Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên hợp quốc ghi nhận ít nhất 20 vụ đụng độ vũ trang, nhiều chốt chặn được dựng lên hạn chế di chuyển. Sân bay quốc tế đóng cửa đến 18/11, cảng biển vẫn hoạt động nhưng không thể tiếp cận bằng đường bộ.

Bạo lực leo thang đã đẩy tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ tại Haiti thêm trầm trọng. Thống kê cho thấy, từ ngày 17/10, hơn 4.200 người phải sơ tán, nâng tổng số người di tản lên 700.000 người.

Hiện có hơn 5 triệu người đang đối mặt với nạn đói. Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo./.