Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh G20: Việt Nam có nhiều đóng góp thực chất
Với tư cách khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G20, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có nhiều đóng góp thực chất tại hội nghị.
Từ ngày 16 đến 19/11, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2024 Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro (Brazil).
Đây là Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 19 và là sự kiện quan trọng nhất trong Năm Chủ tịch G20 của Brazil, có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên chính thức G20, cùng các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 19 nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt.
Đây là lần thứ năm Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của G20, điều này thể hiện cộng đồng quốc tế, trong đó có chủ nhà Brazil, ngày càng coi trọng vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế đa phương toàn cầu.
G20 và sứ mệnh ổn định kinh tế toàn cầu
Ý tưởng về việc thành lập G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) được đưa ra tháng 9/1999 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở thủ đô Washington, Mỹ. Khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á (1997-1998) đã khiến cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhận thấy sự cần thiết của việc phối hợp giữa các nền công nghiệp chủ chốt và các thị trường mới nổi trong hoạch định chính sách tài chính và kinh tế toàn cầu.
Đến tháng 12/1999, Hội nghị thành lập nhóm G20 đã diễn ra tại Berlin, Đức với sự tham dự của Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của các nước thành viên.
Thành viên của G20 hiện bao gồm các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada) và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU). Trong đó, Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên chính thức của G20 kể từ năm 2024.
Quy mô của G20 chiếm 67% dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 75% thương mại quốc tế.
Từ năm 2008 đến nay, G20 đã tổ chức 18 Hội nghị thượng đỉnh, không kể các Hội nghị thượng đỉnh bất thường, để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh… Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất là hội nghị lần thứ 18 được tổ chức tại Ấn Độ (ngày 9 và 10/9/2023).
Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh, nước chủ nhà trong Năm Chủ tịch G20 cũng tổ chức nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao (Sherpa) và nhóm công tác trong các lĩnh vực ngoại giao, nông nghiệp, y tế, lao động-việc làm, năng lượng-môi trường, tài chính-ngân hàng, du lịch, thương mại, kinh tế số…
Nước Chủ tịch G20 có vai trò quan trọng, quyết định danh sách khách mời. Qua các Hội nghị G20 gần đây, nước Chủ tịch thường quyết định danh sách khách mời dựa trên các ưu tiên như các nước láng giềng, đối tác chiến lược hoặc các nước có mối quan hệ đặc biệt. Một số đại diện/quốc gia là khách mời thường xuyên như Tây Ban Nha, Chủ tịch các tổ chức: 3G - Singapore (Nhóm quản trị toàn cầu); ASEAN; APEC (không thường xuyên); NEPAD (Đối tác mới vì sự phát triển Châu Phi).
Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững
Năm 2024, Brazil lần đầu tiên chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 18 và 19/11/2024 tại Brazil có chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững” với3 trọng tâm gồm: Thúc đẩy xã hội phát triển bao trùm và chống nghèo đói, Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng, Cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu. Đây đều là các vấn đề thuộc quan tâm chung của tất cả các nước.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của nhóm, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là sự kiện quan trọng nhất, khép lại năm Chủ tịch G20 rất bận rộn và cũng rất hiệu quả của nước chủ nhà Brazil với hơn 100 cuộc họp của 16 nhóm công tác và gần 20 Hội nghị Bộ trưởng.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19, ngoài các lãnh đạo cấp cao của các thành viên chính thức G20, nước chủ nhà Brazil còn mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước khác như: Angola, Ai Cập, Nigeria, Na Uy, Bồ Đào Nha, Singapore, Tây Ban Nha, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế chủ chốt tham dự hội nghị.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, dự kiến các nhà lãnh đạo G20 sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm tái thiết và củng cố hệ thống đa phương, bắt nguồn từ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, với các thể chế đổi mới và một nền quản trị được cải cách mang tính đại diện hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn, phản ánh thực tế xã hội, kinh tế và chính trị của thế kỷ 21.
Những đóng góp của Việt Nam với G20
Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN.
Tại Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như: biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu; thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển…
Sau đó, trên cương vị Chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017.
Tại hội nghị G20 năm 2017, Việt Nam đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo.
Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp, thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như: thương mại-đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu…
Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Tại hội nghị, Việt Nam đã đề nghị G20 thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển-đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển.
Năm 2020, Việt Nam lần thứ 4 được mời tham dự các hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saudi Arabia với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020. Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự theo hình thức trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh G20 về ứng phó COVID-19 (vào tháng 3/2020) và Hội nghị thượng đỉnh thường niên (vào tháng 11/2020).
Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự hai Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến đã khẳng định sự ủng hộ, tích cực hợp tác của Việt Nam và ASEAN đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam là thành viên chủ động và đóng góp có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.
Ngoài những lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, vào tháng 5/2023, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan còn được Ấn Độ mời tham gia Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20.
Năm nay, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024 Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 16 đến 19/11/2024.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện:
Thứ nhất là đề cao vị thế của Việt Nam tại G20. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 dù Việt Nam đang không nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của một diễn đàn đa phương nào (trước đó, Việt Nam được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trên cương vị là Chủ tịch APEC 2017, ASEAN 2010 và 2020). Điều đó thể hiện cộng đồng quốc tế, trong đó có chủ nhà Brazil, ngày càng coi trọng vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế đa phương toàn cầu.
Thứ hai là khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu; phát huy ưu thế của Việt Nam trong các nội dung có thế mạnh và kinh nghiệm.
Từ nhiều năm nay, G20 là một trong những cơ chế quan trọng nhất về quản trị toàn cầu, có ý nghĩa to lớn trong việc dẫn dắt và định hình các nỗ lực quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề then chốt và cấp bách của thế giới, tương xứng với thế và lực của Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam năng động, đổi mới, sẵn sàng chung vai gánh vác những trách nhiệm toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết với tư cách khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G20, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có nhiều đóng góp thực chất tại hội nghị.
Thứ nhất là chia sẻ quan điểm về các vấn đề toàn cầu. Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại hai phiên họp của ngày 18 và 19/11/2024 với hai chủ đề quan trọng: "Cuộc chiến chống đói nghèo" và "Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng," chia sẻ những bài học quý báu về chống đói nghèo, lĩnh vực Việt Nam nhiều kinh nghiệm và đã đạt thành tựu to lớn, được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Đồng thời, Thủ tướng cũng sẽ trao đổi quan điểm, cách tiếp cận và triển khai chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới, và giới thiệu đến Hội nghị việc Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư vào 2025.
Thứ hai là thể hiện đoàn kết trong tìm kiếm giải pháp về quản trị toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hưởng ứng Lời kêu gọi hành động về Cải cách quản trị toàn cầu. Đây là văn kiện quan trọng của G20 phản ánh quyết tâm của G20 về cải cách và hiện đại hóa các thể chế quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Việc hưởng ứng lời kêu gọi thể hiện cam kết của Việt Nam trong đề cao chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của G20 trong thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba là khẳng định cam kết trong ứng phó các thách thức toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ sẽ dự Lễ phát động Sáng kiến "Liên minh toàn cầu chống đói nghèo" với tư cách thành viên sáng lập.
Trong bối cảnh nỗ lực của thế giới xóa đói giảm nghèo và thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững toàn cầu đang chậm lại, sự ra đời Liên minh sẽ góp phần tạo động lực chính trị mới, phối hợp hiệu quả với các nỗ lực sẵn có về xóa đói giảm nghèo. Tinh thần ấy hoàn toàn nhất quán với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện của Việt Nam và với chủ trương tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani đánh giá sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay sẽ đóng góp quan trọng và mang lại các giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội, vốn là trọng tâm của các cuộc thảo luận năm nay.
Theo ông, Việt Nam là một ví dụ về khả năng phục hồi và tái thiết trong lịch sử. Kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều năm có thể đóng góp giải pháp cho các thách thức và khủng hoảng ảnh hưởng đến nền kinh tế và phát triển xã hội, đặc biệt là ở các nền kinh tế phương Nam.
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, là một quốc gia tự túc về sản xuất lương thực, điều này đã nâng cao mức thu nhập của người dân và tích cực nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều tổ chức đa phương và kiên định ủng hộ giải pháp hòa bình cho các xung đột, dựa trên các nguyên tắc của khuôn khổ luật pháp quốc tế./.