Thủ tướng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gỡ được "thẻ vàng" IUU

Dự Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gỡ được "thẻ vàng" IUU.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 27/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2024.

Trong những thành tích của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai là thành tích nổi bật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện, điều phối hồ đập trong bối cảnh thiên tai khủng khiếp đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo ngành. Ngành cũng nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đạt kỷ lục mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 là năm tăng tốc và bứt phá. Nếu không tăng tốc và bứt phá, ngành nông nghiệp sẽ thụt lùi. Năm 2025, ngành nông nghiệp cần đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, từ 3,5-4%; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cơ chế chính sách để phát triển ngành nông nghiệp nhanh và bền vững.

Ngành cần đẩy mạnh hơn nữa về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gỡ được "thẻ vàng" IUU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Ngành nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất thường" của thực tiễn, sản xuất, kinh doanh đã đạt các mục tiêu phát triển.

Ngành kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Nhờ đó, nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế.

Năm 2024, giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.

Với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ trong xuất khẩu rau quả hai năm qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết xuất khẩu rau quả 2024 đạt khoảng 7,2 tỷ USD. Rau quả Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 60 thị trường. Số lượng rau quả Việt Nam được các thị trường chấp nhận nhập khẩu ngày càng tăng, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: sầu riêng, nhãn, chuối, dừa… đều tăng trưởng mạnh. Thị phần rau quả Việt Nam tại các thị trường cũng tăng, nhất là tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra điểm yếu của rau quả Việt Nam. Đó là chất lượng chưa ổn định, tính tuân thủ chưa nghiêm. Điều này cần khắc phục để tránh mất hình ảnh rau quả Việt Nam trong con mắt người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phám để có thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu chính ngạch; hỗ trợ người sản xuất được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, phát triển công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực tuân thủ của nông dân, doanh nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia với mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực.

Với sự trở lại về giá trị xuất khẩu với hai con số, vượt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá đây là nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nông-ngư dân ngành thủy sản, với sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, tăng trưởng thủy sản vẫn ở mức thấp. Để đạt mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD vào năm 2030, ngành thủy sản phải giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số. Ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà ngành cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp. Đó là tạo động lực cho nông-ngư dân nuôi trồng và khai thác; tạo động lực cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh.

Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3-3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Ngành xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Ngành cũng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Ngành thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường./.