Thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ về đích sớm

Năm 2024 đánh dấu là năm đầu tiên thu ngân sách TP Hồ Chí Minh vượt mốc con số 500.000 tỷ đồng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế, xã hội có không ít thách thức.

(Nguồn: TTXVN)

Khác với mọi năm ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh phải chờ đến cuối ngày 31/12 để chốt số thu ngân sách, năm nay chỉ tiêu thu ngân sách của Thành phố bất ngờ về đích sớm, vượt mọi dự báo trước đó.

Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu là năm đầu tiên thu ngân sách thành phố vượt mốc con số 500.000 tỷ đồng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế, xã hội có không ít thách thức. Đây cũng là điểm sáng đáng chú ý nhất trong bức tranh kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm nay.

Trao đổi định hướng tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân Thành phố mới đây, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm nay trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi đến từ bên ngoài cộng với những vướng mắc, những hạn chế, bất cập nội tại, thành phố đã vượt qua những thử thách để tiếp tục duy trì được các động lực tăng trưởng, đẩy nhanh đà phục hồi, phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Thành phố cơ bản hoàn thành; trong đó nổi bật là thu ngân sách đạt hơn 500.000 tỷ đồng. Đây là con số rất mừng, chỉ riêng thành phố đã góp phần 27% vào tổng thu ngân sách quốc gia

Thực tế, nếu theo dõi tình hình thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024, kết quả trên quả thực là khá bất ngờ, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của người dân, chính quyền thành phố. Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương giao thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 482.851 tỷ đồng, tăng 8% so với con số thực hiện của năm ngoái trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.

Thậm chí, cách đây hơn 2 tháng, lãnh đạo ngành tài chính thành phố còn nhận định tình hình thu ngân sách Nhà nước sẽ gặp nhiều thách thức trong những tháng cuối năm, khả năng chỉ đạt dự toán được giao.

Nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nguyên nhân là do tình hình kinh tế-xã hội thế giới còn nhiều bất ổn, rủi ro, tạo sức ép lớn lên nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Quốc hội, Chính phủ ban hành như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ, giảm tiền thuê đất… đang có hiệu lực cũng sẽ ảnh hưởng giảm thu ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, vượt mọi dự báo, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, một số khoản thu, sắc thuế trên địa bàn đã đạt và vượt dự toán. Đáng chú ý, thu nội địa xuất sắc đã về đích sớm; trong đó các khoản thu từ khu vực tư nhân đều vượt dự toán cả năm.

Ông Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đây là một trong những năm hiếm hoi mà ngành thuế thành phố hoàn thành số thu ngân sách nội địa vào cuối tháng 11 vừa qua, thay vì thường phải chờ con số vào ngày cuối cùng của năm. Hiện thu ngân sách thành phố đã đạt 101% dự toán được giao.

Phân tích về nguyên nhân giúp thu ngân sách thành phố có sự vượt trội, lãnh đạo Cục Thuế thành phố cho rằng, đó là nhờ vào tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều cải thiện tích cực trong năm nay. Đây cũng là năm GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng tốt (đạt hơn 7%), các ngành dịch vụ bán lẻ, công nghiệp, bất động sản có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh ban hành và áp dụng bảng giá đất mới thì giao dịch bất động sản sôi động trở lại. Nguồn thu từ hoạt động bất động sản theo đó ghi nhận tăng từ 50-100% so với cùng kỳ.

Mặt khác, năm nay, thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh còn ghi nhận khoản đột biến từ thu hồi vốn các doanh nghiệp Nhà nước 15.109 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quy định liên quan đến sắc thuế bảo vệ môi trường thay đổi trong năm nay cũng giúp nguồn thu nội địa trên địa bàn thành phố tăng lên.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, từ đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Số thu ngân sách từ các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thu nhập cá nhân… trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo đó cũng tăng lên.

Một doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Song song đó, các cơ quan, cấp chính quyền đã triển khai đồng bộ, phối hợp kịp thời và có hiệu quả việc chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chống gian lận trong hoàn thuế; đồng thời, tuyên truyền, vận động, xử lý nợ thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế... Điều này đã tạo sức lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp trong việc chấp hành tốt pháp luật thuế, góp phần tích cực cho thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Ngay cả nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu dù ước không đạt so với dự toán của năm, do một số ngành sản xuất, thương mại chịu tác động bởi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài; việc cắt giảm thuế quan từ một số hiệp định thương mại... Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, thu từ hoạt động này đã tăng 4,7% so với cùng kỳ, ước thực hiện 117.249 tỷ đồng, đạt 89,6% dự toán. Kết quả này tương đối khả quan trong bối cảnh thu từ xuất nhập khẩu ghi nhận sự suy giảm liên tiếp trong 6 tháng đầu năm (trừ tháng Một), chỉ đảo chiều sang tăng trưởng dương kể từ tháng Tám vừa qua.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có sự phục hồi nhờ kim ngạch xuất, nhập khẩu của địa bàn đều tăng mạnh so với cùng kỳ, ước tăng 9,5% trong 11 tháng. Kết quả này xuất phát từ những chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh tạo thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc, thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp trong thời gian dài vừa qua.

Ngoài những nguyên nhân trên, nguồn thu ngân sách từ hoạt động này tăng cao do một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế cao như sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được nhập khẩu mạnh thời điểm cuối năm.

Dù đã về đích sớm, song lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đang phấn đấu thu đạt 110% dự toán so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mục tiêu mà Chính phủ phấn đấu và giao các địa phương thực hiện trong năm, nhằm đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Hiện ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm đạt kết quả cao nhất. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất và nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách thành phố; đồng thời tập trung giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, song song với việc tăng cường quản lý, khai thác các nguồn thu còn dư địa, chống thất thu thuế trong những lĩnh vực có rủi ro cao, tập trung thu hồi nợ đọng…/.