Thông tuyến giao thông sạt lở do mưa lớn tại Hà Giang vẫn gặp khó
Hà Giang đang tập trung nhân lực, vật lực nhanh chóng khắc phục hậu quả, nhưng do tình trạng sạt lở quá nhiều và vẫn còn tiếp tục nên việc thông tuyến giao thông vẫn còn khó khăn.
Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã làm các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị thiệt hại nặng nề, xuất hiện nhiều tuyến đường "tử thần" bị đứt gãy do sạt lở đất đá làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Hiện nay, Hà Giang đang tập trung nhân lực, vật lực nhanh chóng khắc phục hậu quả, nhưng do tình trạng sạt lở quá nhiều và vẫn còn tiếp tục nên việc thông tuyến giao thông vẫn còn khó khăn.
Mưa lũ đã làm sạt lở hàng nghìn khối đất đá tràn xuống lòng đường gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường đi các huyện vùng Cao nguyên đá, Quốc lộ 34 từ Hà Giang sang Cao Bằng.
Đặc biệt, tỉnh lộ 177, 178 đi các huyện Hoàng Su phì, Xín Mần, nhiều tuyến đường từ huyện xuống xã xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ gây tê liệt giao thông tạm thời.
Theo ông Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì, một số tuyến đường giao thông đi xuống trung tâm các xã đã sạt phần ta luy âm và đã sạt giữa tim đường.
"Trước mắt chúng tôi dùng các biện pháp khắc phục như đào khối lượng đất đá sạt lở, kè lại hai bên đường đảm bảo giao thông đi lại. Huyện cũng bố trí các nguồn kinh phí phù hợp xây dựng lại để đảm bảo lâu dài," ông Lý Chòi Nhàn nói.
Tại huyện Vị Xuyên, tuyến đường huyết mạch dài 5km nhưng có tới gần 30 điểm sạt lớn nhỏ với khoảng hàng nghìn khối đất đá ngổn ngang.
Đây là tuyến đường chính phục vụ việc đi lại cho hơn 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 4 thôn vùng cao xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên) khiến hàng trăm hộ dân bị cô lập. Để khắc phục hậu quả, các lực lượng chức năng đã huy động máy móc làm ngày đêm, nhưng do nhiều điểm sạt lở lớn nên việc thông tuyến và đảm bảo an toàn giao thông cần rất nhiều thời gian.
"Chúng tôi thực hiện phát huy tinh thần “bốn tại chỗ,” huy động máy móc cùng bà con nhân dân để khắc phục tạm thời. Ngoài ra những khu vực sạt lở lớn cũng huy động lớn phương tiện để kịp thời sớm thông tuyến để bà con đi lại," ông Cấn Văn Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phương Tiến cho hay.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu các ngành, đơn vị tập trung kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá để có phương án xử lý và phân luồng giao thông; bố trí lực lượng trực gác hướng dẫn giao thông tại các vị trí nguy hiểm để người tham gia giao thông được an toàn; triển khai ngay việc khắc phục sự cố, tiến hành đặt rào chắn, đặt biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Theo dự toán của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang, các tuyến đường bị thiệt hại do mưa lũ trong hai đợt thiên tai cần khoảng 50 tỷ đồng để sửa chữa khắc phục. Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang vẫn đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao; xây dựng các phương án, kịp thời xử lý nhằm duy trì giao thông thông suốt và an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần giữ ổn định tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Cù Duy Man, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang cho biết, đối với các tuyến giao thông có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, trước mắt chỉ huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục giao thông ban đầu nhằm lưu thông tuyến. Về lâu dài cần tập trung xử lý những điểm có nguy cơ sạt lở cao, tránh tình trạng mưa nhiều ngày sẽ tiếp tục gây sạt lở.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu, nhà thi công sớm hoàn thành các hạng mục, làm đường và xử lý triệt để khu vực sạt lở. Qua đó, sớm thông tuyến các trục đường huyết mạch, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông./.