Thống đốc NHNN: Chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Đối với nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá là do cầu về tín dụng khi số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút.
Sáng 6/11, tại hội trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, hiện nay chưa thể bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đang là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các công cụ chính sách khác. Các chỉ tiêu được điều hành bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ và nghị quyết của Quốc hội.
Tăng trưởng tín dụng đưa ra định hướng đầu năm nhưng phân bổ theo các chỉ tiêu căn bản nhất, bao gồm: xếp hạng của tổ chức tín dụng theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 31/12/2018 về quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, để xác định tổ chức tín dụng có hoạt động lành mạnh và có khả năng mở rộng tín dụng.
Nghị quyết 62/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV có yêu cầu nghiên cứu hạn chế cách thức điều hành này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các chuyên gia, nhà quản lý để xem xét. Tuy nhiên, ở thời điểm này chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo hướng phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Bởi, nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.
“Đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tín dụng dài hạn của doanh nghiệp thì việc bỏ chi tiêu này sẽ khả thi hơn,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.
[Chất vấn để giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đặt ra]
Đối với nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá là do cầu về tín dụng khi số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra một số kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết: Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai theo lộ trình, kế hoạch đặt ra; an toàn hệ thống được bảo đảm; đồng thời khoanh nợ, cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ cho người dân, doanh nghiệp.
Về kết quả này, bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, báo cáo đã đánh giá rất thẳng thắn, chỉ ra rất nhiều mặt, nhiều việc đã làm song cũng đặt ra rất nhiều điểm cần tiếp tục phấn đấu nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
“Tôi cho rằng đây là thái độ rất nghiêm túc trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như thực hiện hành động của Chính phủ trong thời gian tới," đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh./.