Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ bảy, ngày 24/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ bảy, ngày 24/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Buổi sáng, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,15% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 470 đại biểu tán thành (bằng 95,14% tổng số đại biểu Quốc hội), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,01% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở Cơ sở.

Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành luật, thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung khác của dự thảo luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mô hình tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quyết định người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của lực lượng này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

[Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra]

Nội dung 3: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; sau đó Quốc hội thảo luận tại Đoàn về nội dung trên.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự, tiến hành bỏ phiếu kín về việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nội dung 2: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 484 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,98% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 481 đại biểu tán thành (bằng 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 3: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.”

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 480 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,17% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 475 đại biểu tán thành (bằng 96,15% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,2% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,81% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, nghe: Trưởng Ban Kiểm phiếu Nguyễn Thanh Hải công bố kết quả kiểm phiếu; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 479 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,96% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 473 đại biểu tán thành (bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội), có 4 đại biểu không tán thành (bằng 0,81% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,4% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 5: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 478 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,76% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 475 đại biểu tán thành (bằng 96,15% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.61% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 6: Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Phiên bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

- Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,57% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 481 đại biểu tán thành (bằng 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

- Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)