Thông cáo báo chí số 17, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ Bảy, ngày 9/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 17 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ Bảy, ngày 9/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 17 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tại phiên thảo luận có 15 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Mục đích sớm ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh; về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Cùng với đó là nguyên tắc thực hiện thí điểm; các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng (gồm xử lý vật chứng, tài sản là tiền; nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản).

Các đại biểu cũng thảo luận về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản; trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản; về hiệu lực thi hành Nghị quyết.

Kết thúc phiên thảo luận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Thứ Hai, ngày 11/11/2024, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam)./.