Thiếu lao động, các doanh nghiệp Đức sử dụng robot thay thế

Tình trạng thiếu lao động trầm trọng đang thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức tích cực chuyển hướng sang tự động hóa với việc ứng dụng robot trong vận hành sản xuất.

Robot có thể là chìa khóa giải quyết tình trạng thiếu lao động ở Đức. (Nguồn: Getty Images)

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, Đức cũng giống như nhiều quốc gia khác, phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 là thiếu hụt lao động lành nghề.

Tình trạng khó khăn này ảnh hưởng đến hầu hết các ngành công nghiệp và đe dọa tăng trưởng kinh tế cũng như sức mạnh đổi mới sáng tạo của các quốc gia.

Một trong những giải pháp cho vấn đề này là sử dụng robot.

Tại nhà máy sản xuất phụ tùng máy móc S&D Blech, có trụ sở ở Zemmer, Đức, người đứng đầu bộ phận mài vừa nghỉ hưu. Với tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở Đức, rất ít ứng viên muốn đảm nhận công việc chân tay đòi hỏi sự lành nghề nhưng bẩn thỉu và nguy hiểm này. Vì vậy, nhà máy quyết định thay thế vị trí làm việc này bằng robot.

Các công ty vừa và nhỏ khác ở Đức cũng đang chuyển dần sang tự động hóa khi lực lượng lao động thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ em” (Baby Boomer) thời hậu chiến (sinh ra ở giai đoạn 1946-1964), đến tuổi nghỉ hưu. Thực trạng này khiến thị trường lao động ngày càng khó khăn.

Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 1,7 triệu việc làm ở Đức bị trống trong tháng Sáu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết hơn một nửa số công ty đang phải vật lộn để lấp đầy các vị trí làm việc bị bỏ trống.

Điều này ước tính gây tổn thất tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu gần 100 tỷ euro (109 tỷ USD) mỗi năm.

Giám đốc điều hành S&D Henning Schloeder trích dẫn xu hướng đó để giải thích việc nhà máy của ông thúc đẩy tự động hóa và số hóa trong nhiều năm qua.

Ông cảnh báo tình trạng thiếu nhân công sẽ làm trầm trọng thêm thị trường lao động có tay nghề vốn đã khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và thủ công.

Ông cho biết rất khó để tìm một người đứng đầu bộ phận mài của nhà máy không chỉ vì vị trí này đòi hỏi kinh nghiệm mà còn vì đó là công việc vất vả mà không ai muốn làm.

"Quá trình mài bằng máy khiến người lao động làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao cùng với tiếng ồn liên tục và những tia lửa phát ra có thể gây nguy hiểm," ông cho biết.

[Đức chế tạo robot thay nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi]

Trong những năm gần đây, lực lượng lao động là nữ giới và người nhập cư đã giúp bù đắp phần nào cho những thay đổi về nhân khẩu học tại Đức.

Tuy nhiên, với việc thế hệ Baby Boomer nghỉ hưu và một thế hệ mới - với quy mô nhỏ hơn nhiều do tỷ lệ sinh thấp - gia nhập lực lượng lao động, Cơ quan Việc làm Liên bang Đức dự báo thị trường lao động trong nước sẽ thiếu hụt 7 triệu lao động vào năm 2035.

Nela Richardson, Nhà Kinh tế trưởng của Công ty Cung cấp Dịch vụ Nhân sự Toàn cầu ADP, cho biết với những thay đổi tương tự sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế phát triển khác, tác động của các công nghệ tự động hóa tiên tiến từ robot đến AI sẽ được cảm nhận rộng rãi.

Bà cho biết: “Về lâu dài, tất cả những đổi mới đó sẽ thay đổi cuộc chơi trong thị trường việc làm. Mọi người sẽ thực hiện công việc khác nhiều so với trước đây.”

Một robot đang vận hành tại Công ty ROLEC Gehause-Systeme ở Rinteln, Đức. (Nguồn: Reuters)

Sự đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa của các nhà sản xuất ôtô và các “gã khổng lồ” công nghiệp khác đã giúp Đức đã trở thành thị trường robot lớn thứ tư thế giới và lớn nhất ở châu Âu.

Nhưng khi robot trở nên rẻ hơn và dễ vận hành hơn, các công ty gia đình (còn gọi là Mittelstand), từ tiệm bánh, tiệm giặt là đến siêu thị…. vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế Đức, cũng chuyển hướng ứng dụng công nghệ này.

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, khoảng 26.000 thiết bị đã được lắp đặt ở Đức vào năm ngoái - con số này chỉ thấp hơn năm 2018, trước khi đại dịch COVID-19 làm chậm lại mức tăng trưởng trung bình 4% hàng năm của kinh tế Đức.

Giám đốc điều hành Công ty robot FANUC Germany, ông Ralf Winkelmann cho biết hãng đã bán khoảng 50% robot do Nhật Bản sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cho thấy các công ty thực sự coi robot giúp họ tránh khỏi rủi ro thiếu nhân viên trong tương lai.

Công ty Rolec chuyên sản xuất hệ thống bảo vệ thiết bị điện tử công nghiệp và thiết bị điều khiển, mua robot đầu tiên vào năm ngoái để có thể duy trì hoạt động sản xuất cả vào ban đêm. Hiệu quả khiến công ty quyết định mua thêm robot thứ hai và có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào tự động hóa.

“Thật tuyệt khi bạn bật đèn vào buổi sáng và nhìn thấy các sản phẩm đã nằm trong thùng,” CEO Matthias Rose của Rolec nói.

Nhiều doanh nghiệp ở Đức đang đẩy mạnh tự động hóa. (Nguồn: Reuters)

Ralf Hartdegen, người điều hành một công ty tư vấn chuyển đổi sang tự động hóa, cho biết những công ty không muốn sa thải nhân viên cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi tự động hóa dựa vào tốc độ nghỉ hưu của thế hệ Baby Boomer.

Việc các doanh nghiệp ở Đức đẩy mạnh tự động hóa cũng phản ánh thực tế rằng robot đã trở nên dễ sử dụng hơn mà không cần kỹ năng lập trình.

Ông Florian Andre, người đồng sáng lập SHERPA Robotics, một công ty khởi nghiệp phát triển robot nhắm vào các doanh nghiệp có quy mô 20-100 lao động, cho biết, hầu hết robot hiện nay đều có màn hình cảm ứng tương tự như điện thoại thông minh.

Ngay cả người lao động và các công đoàn, từng lo lắng sẽ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa, cũng ngày càng có cái nhìn tích cực hơn với robot.

Hồi tháng Sáu, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số lao động ở Đức nhìn nhận robot có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân công ở nước này./.

(Vietnam+)