Thiếu cát đắp nền đường, Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau bị chậm tiến độ
Với khó khăn về nguồn cát đắp nền đường chưa được tháo gỡ, Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang bị chậm sâu tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Hạn chế về khối lượng cát đắp nền đưa về công trường đang là một trong những rào cản lớn khiến dự án cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay, Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Hậu Giang có sản lượng thực hiện dự án đạt khoảng 2.290/6.846 tỷ đồng, đạt 33,5% giá trị hợp đồng, chậm 9% so với tiến độ điều chỉnh.
Các hạng mục chính đang được nhà thầu tập trung thi công gồm hoàn chỉnh đường công vụ và cầu tạm; xử lý nền đất yếu và thi công đắp nền K95; đã triển khai thi công 40/40 cầu (móng cọc, mố trụ cầu, đúc và lao lắp dầm).
Đánh giá tiến độ thi công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ ra nguyên nhân là do vướng mặt bằng tại một số vị trí thi công cầu, thiếu nguồn vật liệu đắp nền (bao gồm đường công vụ để thi công cầu); nhà thầu chậm huy động nhân sự, máy móc thiết bị theo tiến độ cam kết.
“Khối lượng cát đắp nền khai thác và đưa về dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số mỏ cát đã được địa phương cấp bản xác nhận, nhà thầu đã hoàn thành thủ tục nhưng chưa thể khai thác do người dân cản trở (2 mỏ tại Vĩnh Long) hoặc nằm trọn trong luồng đường thủy (1 mỏ tại An Giang). Cùng đó, các dự án trong khu vực triển khai đồng loạt, công tác huy động thiết bị, nhân lực còn gặp nhiều khó khăn,” phía Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin thêm.
Với đoạn cao tốc Hậu Giang-Cà Mau, giá trị thực hiện lũy kế từ đầu dự án đến nay đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đạt 30% giá trị hợp đồng, chậm 10% so với tiến độ điều chỉnh.
Cụ thể, gói thầu XL01 đạt 1.875/5.872 tỷ đồng, đạt 32%; gói thầu XL02 đạt 861/3.394 tỷ đồng, đạt 25%; gói thầu XL03 đạt 829/2.715 tỷ đồng, đạt 31%.
Các hạng mục chính đang tập trung thi công gồm hoàn chỉnh đường công vụ và cầu tạm; Xử lý nền đất yếu và thi công đắp nền K95; đã triển khai thi công 71/86 cầu.
“Tiến độ thi công dự án có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm bởi một số vướng mắc như khối lượng cát đắp nền được phân bổ về dự án còn thấp, nguồn cung cấp còn rất hạn chế, 2/7 mỏ cát tại Đồng Tháp đang tạm dừng khai thác để khắc phục môi trường; quy trình phê duyệt, giao mỏ cho nhà thầu còn mất nhiều thời gian; các dự án triển khai đồng loạt nên công tác huy động thiết bị gặp nhiều khó khăn; tình hình nhân sự không ổn định cả về chất lượng và số lượng, ảnh hưởng trực tiếp công tác nội nghiệp và hiện trường,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay./.