Thiết chế không thể thay thế trong xây dựng con người Việt Nam
Gia đình Việt Nam tiến bộ phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại.
Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, trong đó đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình.
Trong thời kỳ mới, gia đình vẫn là thiết chế không thể thay thế để thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế-xã hội trong mấy thập niên qua đã tạo ra điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, gia đình Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như sự bất bình đẳng giữa quan hệ vợ chồng, bạo lực của người chồng dẫn đến tình trạng ly hôn với tỷ lệ nữ đứng đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới phản ánh một sự thật là tác động của nền kinh tế thị trường đã len lỏi vào đời sống gia đình...
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, một bộ phận các bậc cha mẹ đã không có điều kiện quan tâm đầy đủ đến con cái hoặc mối quan hệ cha mẹ - con cái vẫn bảo lưu tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ quyết định tất cả các việc quan trọng liên quan đến con cái dẫn đến sự thiếu tôn trọng quyền của con cái, có hành vi bạo lực đối với con cái.
[Phát huy vai trò của phụ nữ trong vun đắp giá trị gia đình Việt]
Công cuộc công nghiệp hóa cùng với quá trình già hóa dân số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam đã phần nào làm cho việc chăm sóc người cao tuổi trong gia đình Việt Nam gặp nhiều thách thức, hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi...
Nhiều người còn giữ quan điểm “anh em kiến giả nhất phận,” thiếu quan tâm đến những anh chị em của mình, kinh tế thị trường với sự đề cao lợi ích kinh tế cũng dẫn đến những mâu thuẫn trong việc chăm sóc bố mẹ hay chia sẻ các tài sản thừa kế...
Chính vì thế, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là mục tiêu xuyên suốt và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Hiểu một cách đơn giản, gia đình Việt Nam tiến bộ phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại. Tính chất tiến bộ của gia đình thể hiện cả từ góc độ cấu trúc, quan hệ cũng như các chức năng của gia đình.
Từ cách tiếp cận đó, có nhiều tiêu chí khác nhau để đo lường về gia đình tiến bộ. Chẳng hạn, đó phải là gia đình biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào ѕản хuất, kinh doanh.
Các thành viên trong gia đình luôn tuân thủ pháp luật, quy ước của cộng đồng, đồng thời biết tôn trọng, giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam. Mỗi thành viên đều có ý thức nâng cao ѕức khỏe và tích cực học tập.
Để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế-xã hội; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình.
Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, xu thế giảm chức năng chăm sóc trẻ em và người cao tuổi của gia đình là không thể đảo ngược.
Do đó, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Minh cho rằng, cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân. Các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng.
Bên cạnh đó, phải tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội; có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách kinh tế-xã hội; cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ./.