Thiên tai làm 4 người tử vong, mất tích, cùng nhiều thiệt hại khác

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lũ và dông sét từ ngày 3-6/6 trên cả nước đã làm 2 người tử vong, 2 người mất tích; nhiều cơ sở hạ tầng, nông nghiệp bị thiệt hại.

Mưa lớn gây sạt lở trên tỉnh lộ 156B ở huyện Bát Xát (Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/ TTXVN)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 3-6/6, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.

Tính đến thời điểm này, mưa lũ và dông sét đã làm 2 người tử vong, 2 người mất tích và nhiều cơ sở hạ tầng và nông nghiệp bị thiệt hại.

Hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất ở khu vực Hà Nội

Theo số liệu quan trắc sét từ mạng lưới định vị sét quốc gia, sáng 5/6, mưa lớn tại khu vực Hà Nội đã kèm theo hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất.

Cụ thể, từ 6 đến 9 giờ 30, đã có hơn 10.000 lượt sấm sét, trong đó có 7.153 lượt sấm sét đánh xuống đất.

Từ 7 đến 8 giờ là thời điểm nhiều dông sét nhất với 2.855 cú sét đánh xuống đất (chia trung bình ra 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận.

Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận lúc 8 giờ 25 phút 47 giây). Cường độ sét từ 7 giờ 40 đến 8 giờ 50 là mạnh nhất.

Mưa lớn gây sạt lở, khiến một tảng đá khoảng trên 3 tấn đã lăn từ trên núi vào nhà dân khiến 1 cháu 14 tuổi ở thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn tử vong. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn kèm theo dông sét, sạt lở đất khiến 2 người tử vong (do đá lăn vào nhà và sét đánh). Một số tuyến đường liên thôn, liên xã, đường quốc lộ của các huyện Bắc Quang, Mèo Vạc bị sạt lở.

Tuyến đường quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, đoạn qua xã Minh Tân hàng trăm m3 đất đá bị sạt lở tràn xuống nền đường gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn kéo dài kèm theo dông sét cũng làm chập điện, cháy một điểm trường thôn ở xã Ngam La, huyện Yên Minh khiến 5 phòng học, 1 phòng ở và bàn ghế, đồ dùng học tập của học sinh bị hư hỏng hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu ước thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng.

Thống kê thiệt hại tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), đã có 2 người bị lũ cuốn trôi tại khu vực Thôn 1, xã Bản Vược; 5 nhà dân bị ngập và sạt lở đất đá vào nhà; 7 ao nuôi cá của người dân tại các xã Bản Qua, Bản Vược, Mường Vi bị sạt lở bờ ao, nước tràn bờ; ngập úng 4 ha ngô; 100kg lúa bị lũ cuốn trôi.

Mưa lũ cũng làm 2 tuyến đường liên thôn Vi Phái, thôn Bản Pho (xã Bản Vược) bị sạt lở gây chia cắt giao thông. Nhiều điểm trên Tỉnh lộ 156B (khu vực xã Bản Qua) bị sạt lở, ngập úng, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Bên cạnh đó, sét đánh gây mất điện tại Tổ 10, thị trấn Bát Xát cùng một phần xã Bản Qua, một phần xã Bản Vược, làm hỏng 14 trạm biến áp khiến 1.210 hộ dân bị mất điện. Sạt lở đã khiến Trường Trung học cơ sở xã Bản Vược bị đổ 12 mét tường rào.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn đã làm 4 nhà dân bị sạt lở, ảnh hưởng (3 nhà tại xóm Cao Bắc, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc; 1 nhà tại xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm); sập 1 kho chứa của người dân ở xóm Nà Pò, xã Đức Thông, huyện Thạch An. Thống kê sơ bộ, gần 20ha ngô, lúa, hoa màu ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hòa An, Hà Quảng bị ngập, đất đá vùi lấp.

Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở gây ách tắc giao thông gồm Quốc lộ 4A đoạn Cao Bắc-Lũng Mật, xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc) sạt lở đất, đá phía taluy dương, vùi lấp mặt đường nhiều đoạn; Đường tỉnh 202 đoạn Bảo Lạc-Phan Thanh sạt lở đất đá phía taluy dương; nhiều tuyến giao thông nông thôn, giao thông liên huyện, liên xã, công trình thủy lợi khác cũng bị sạt lở, hư hại.

Mưa lớn cũng khiến cây đổ làm đứt đường dây điện hạ thế ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An.Đối với tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn đã 9 nhà bị ảnh hưởng trong đó có 7 nhà bị đất đá vùi lấp, 22,05ha đất nông, lâm nghiệp bị ngập nước, 1,3ha ao bị nước tràn qua.

Ngoài ra, trục đường thôn Khuổi Kháp (xã Sơn Thành, huyện Na Rì) bị sạt lở taluy dương. Tại xã Yên Hân, Yên Cư (huyện Chợ Mới) có 3 đoạn đường bêtông dài khoảng 400m bị sạt lở và 5 tuyến đường bị vùi lấp khoảng 300m3 đất, đá.

Tại xã Trần Phú, Cường Lợi (huyện Na Rì) và xã Yên Hân (huyện Chợ Mới) có 5 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp, hư hỏng kênh mương với chiều dài khoảng 60m.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Bình Phước, dông, lốc ngày 5/6 tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng đã làm 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 5,8 ha điều bị gãy đổ.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã đến động viên, thăm hỏi những gia đình có người thương vong, mất tích, đồng thời huy động lực lượng, khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ); di chuyển tài sản của các hộ dân bị sạt lở đến nơi an toàn để nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.

Đối với các tuyến giao thông bị sạt lở, các đơn vị quản lý đường bộ đang huy động lực lượng, thiết bị khẩn trương khắc phục, đảm bảo thông xe các tuyến đường.

Theo dõi chặt chẽ dự báo thiên tai để chủ động ứng phó

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối 7-9/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng trở lại, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đoạn thuộc địa phận Hà Nội mưa lớn che khuất tầm nhìn, khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Nam Bộ chủ động ứng phó với nắng nóng. Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Hiện tại Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị sét hiển thị trên website: hymetnet.gov.vn.

Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết. Người dân có thể tham khảo để chủ động phòng, tránh các rủi ro do dông sét gây ra.

Đối với hiện tượng sét đánh, các chuyên gia khuyến cáo, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Để phòng tránh dông, sét, người dân cần tránh xa các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Người dân khi ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, ở các vùng đất trống trải, không đứng, ngồi cạnh cột điện hoặc đường dây tải điện, đồng thời vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.

Trong trường hợp người dân đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng, người dân cần tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh; không đứng thành nhóm người gần nhau./.