Thị trường tuần qua: Vàng và dầu đi xuống, chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng
Trên thị trường thế giới tuần qua, vàng hướng đi xuống dù đã xác lập các mức cao kỷ lục mới, dầu giảm trước áp lực của cuộc chiến thuế quan, trong khi chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng.
Thị trường vàng tuần qua đã xác lập các mức cao kỷ lục mới trước khi điều chỉnh giảm sâu và phục hồi nhẹ, còn giá dầu hướng đi xuống trước áp lực của cuộc chiến thuế quan.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ cho thấy đà phục hồi ấn tượng khi giới đầu tư bám sát các tín hiệu trái chiều về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Những nhân tố đẩy giá vàng tuần qua đi xuống
Giá vàng thế giới giảm hơn 2% trong phiên ngày 25/4 và hướng tới tuần giảm giá, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và xuất hiện dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dịu xuống.
Vào lúc 0h39 sáng ngày 26/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 3.292,99 USD/ounce. Trong phiên này, đã có thời điểm giá vàng giảm tới 2%. Tính chung tuần này, giá vàng giảm 1,2%.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 1,5% xuống 3.298,40 USD/ounce.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, cho biết các nhà đầu tư vàng vẫn liên tục mua vào khi giá giảm trong vài phiên vừa qua, do đó giá vàng được dự báo có thể quay trở lại quỹ đạo tăng.
Trung Quốc đang cân nhắc miễn trừ thuế nhập khẩu 125% đối với một số hàng hóa của Mỹ, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xác định hàng hóa có đủ điều kiện được miễn trừ.
Trước đó, trong tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã gợi ý về khả năng hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan, cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp đang được tiến hành.
Trong khi đó, đồng USD hướng đến tuần tăng giá đầu tiên kể từ tháng 3/2025, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Vàng, vốn thường được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro trước những bất ổn địa chính trị và kinh tế, đã cán mức cao kỷ lục 3.500,05 USD/ounce và đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm.
Động lực tăng giá chính đến từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương.
Thị trường vàng tuần qua đã xác lập các mức cao kỷ lục mới, sau đó là sự điều chỉnh giảm sâu và cuối cùng là một nhịp phục hồi nhẹ.
Các yếu tố chính chi phối thị trường trong giai đoạn này gồm biến động của đồng USD, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đây là động lực cốt lõi, với những diễn biến trái chiều liên tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Sự thay đổi trong "khẩu vị" của nhà đầu tư dẫn đến dòng vốn luân chuyển giữa các tài sản an toàn (vàng) và tài sản rủi ro (chứng khoán).
Ngoài ra, những phát ngôn từ các quan chức cấp cao gồm Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và các quan chức Fed, cũng như phản ứng từ phía Trung Quốc, có tác động tức thời đến giá vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, cũng trong phiên 25/4, giá bạc giao ngay giảm 1,6% xuống 33,03 USD/ounce nhưng hướng đến tuần tăng giá thứ ba liên tiếp.
Giá bạch kim giảm 0,5% xuống 965,53 USD/ounce, còn giá palladium giảm 1,8% xuống 936,89 USD/ounce.
Giá dầu giảm trước áp lực của cuộc chiến thuế quan và nguồn cung dôi dư
Giá dầu thế giới mặc dù tăng trong phiên ngày 25/4 nhưng vẫn hướng đến một tuần đi xuống do sức ép từ dự đoán của thị trường về nguồn cung dư thừa và những bất ổn xung quanh các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 32 xu lên 66,87 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã giảm 1,6%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 23 xu lên 63,02 USD/thùng trong phiên 25/4 và ghi nhận mức giảm 2,6% trong tuần này.
Ngày 25/4, Trung Quốc đã miễn thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa của Mỹ. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể đang dịu xuống.

Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định giá dầu thô khó tăng trong ngắn hạn, do cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa các nước tiêu thụ hàng đầu thế giới và những đồn đoán rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể đẩy nhanh việc tăng sản lượng từ tháng 6/2025.
Hồi đầu tháng này, giá dầu đã giảm xuống mức thấp của bốn năm sau khi vấn đề thuế quan làm dấy lên những lo ngại của các nhà đầu tư về nhu cầu dầu toàn cầu và gây ra một đợt bán tháo trên thị trường tài chính.
Trong khi rủi ro về một nền kinh tế yếu hơn có thể làm suy giảm nhu cầu, thì nguồn cung lại có nguy cơ tăng lên. Khả năng chấm dứt chiến tranh tại Ukraine cũng có thể làm tăng thêm nguồn cung nếu điều đó cho phép nhiều dầu của Nga hơn chảy vào thị trường toàn cầu.
Về nguồn cung của Mỹ, dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố ngày 25/4 cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã tăng hai giàn lên 483 giàn trong tuần tính đến ngày 25/4.
Thị trường dầu tuần qua chứng kiến sự giằng co giữa các yếu tố cung-cầu, và tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi tin tức địa chính trị và kinh tế vĩ mô.
Giá dầu đã giảm hơn 2% trong phiên giao dịch 21/4 do tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran. Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng những tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Sang đến phiên 22/4, giá dầu thế giới tăng hơn 1 USD/thùng, khi lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran cùng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã giúp thúc đẩy đà tăng trở lại của "vàng đen."
Tuy nhiên, giá dầu giảm trở lại 2% trong phiên giao dịch 23/4 khi các nguồn tin cho biết OPEC+ sẽ xem xét tăng sản lượng dầu vào tháng 6/2025.
Sau đó giá dầu thế giới đi lên, khi các nhà đầu tư cân nhắc những yếu tố như đà giảm của đồng USD, khả năng nguồn cung tăng, các số liệu kinh tế trái chiều, chính sách thuế quan của Mỹ và diễn biến địa chính trị.
Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng
Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần qua với đà phục hồi ấn tượng, khi giới đầu tư bám sát các tín hiệu trái chiều về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung được cải thiện nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và những kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ hai trong ba tuần. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,5% trong cả tuần, vượt mốc 40.000 điểm vào phiên cuối tuần. S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng gần 5% và gần 7%.
Động lực chính thúc đẩy Phố Wall đi lên trong phiên 25/4 đến từ cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn, đặc biệt là Alphabet - công ty mẹ của Google, khi hãng này công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng và tái khẳng định cam kết đầu tư mạnh vào Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 20,10 điểm, tương đương 0,05%, lên 40.113,50 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 40,44 điểm, tương đương 0,74%, lên 5.525,21 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 216,90 điểm, tương đương 1,26%, lên 17.382,94 điểm.
Với mức tăng mới nhất này, Nasdaq Composite hiện tăng nhẹ trong tháng 4/2025, nhưng S&P 500 vẫn giảm 1,5% từ đầu tháng đến nay, trong khi Dow Jones đã mất 4,5% trong tháng này.
Đáng chú ý, giá cổ phiếu của Tesla vọt tăng 9,8%. Các cổ phiếu công nghệ có vốn hoá lớn khác là Nvidia và Meta Platforms lần lượt tăng 4,3% và 2,7%.
Loạt phát biểu từ giới chức Mỹ trong những ngày qua cũng góp phần xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Từ phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho tới bình luận của Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, chính quyền Tổng thống Trump đã phát đi thông điệp mềm mỏng hơn, cho thấy sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về thuế quan.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận đang có đàm phán, khiến giới phân tích cảnh báo rủi ro vẫn ở mức cao.
Trong tuần, thị trường cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Trump về Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Sau phiên lao dốc mạnh ngày 21/4, các nhà đầu tư đã dần lấy lại niềm tin khi ông Trump tuyên bố không có ý định cách chức ông Powell. Đây được xem là bước ngoặt giúp thị trường hồi phục ổn định hơn trong nửa sau của tuần.
Phiên 25/4, chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI tăng 4,88 điểm, tương đương 0,60%, lên 824,74 điểm.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu kết thúc tăng 0,35%. Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 phục hồi mạnh, lấy lại toàn bộ mức sụt giảm kể từ sau khi ông Trump công bố các mức thuế mới hồi đầu tháng Tư này./.