Thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, khối ngoại tiếp tục bán ròng

Chốt phiên giao dịch ngày 30/10, VN-Index giảm 3,15 điểm xuống 1.258,63 điểm; HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 225,88 điểm trong khi UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 92,46 điểm.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thị trường chứng khoán phiên hôm nay diễn biến ảm đạm, thanh khoản đi xuống và VN-Index chốt phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/10, VN-Index giảm 3,15 điểm xuống 1.258,63 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 537 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 12.700 tỷ đồng. Toàn sàn có 163 mã tăng giá, 210 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 225,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 968,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng giá, 87 mã giảm giá, 62 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 92,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 456,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 118 mã giảm giá và 105 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có tới 17 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá và 5 mã đứng giá. Giảm mạnh nhất là VHM (3,74%), tiếp đến là các mã PLX, VNM, SSI đều ở mức hơn 1%. Các mã còn lại chỉ giảm nhẹ dưới 1%. Ở chiều tăng giá có STB tăng 2,2%, VIB tăng 1,33%, TCB tăng 1,05%. Các mã ở chiều tăng còn lại đều dưới 1%.

Có thể nhận thấy rằng, thị trường diễn biến phân hóa, chưa rõ xu hướng với sắc xanh, đỏ đan xen tại các nhóm cổ phiếu.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 144 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 142 tỷ đồng. MSN bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sàn với 90 tỷ đồng. Tiếp đến, STB bị bán ròng khoảng 84 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng bán ròng gần 17 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng khoảng 9 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ảm đạm, trong khi kinh tế vĩ mô rất tích cực. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP của Việt Nam tăng 7,4% so với cùng kỳ trong quý 3/2024, đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ mức tăng 13,7% vào quý 3/2022, sau khi Chính phủ chính thức mở cửa kinh tế hậu COVID-19.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) nhận thấy Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kể từ quý 2/2024, nhờ số lượng đơn đặt hàng sản xuất tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2024 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực, điều này đã bù đắp cho những tác động tiêu cực từ cơn bão Yagi (bão số 3) trong tháng 9 vừa qua.

VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2024 với GDP dự báo tăng 7,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu duy trì tích cực, dòng vốn FDI dồi dào, sự phục hồi của thị trường bất động sản và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, bao gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa.

Vì vậy, VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9% từ dự báo cũ là 6,7%.

VNDirect nhận định: Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu; triển vọng tích cực của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện; đầu tư tư nhân từng bước phục hồi.

Ngoài ra, VNDirect kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ duy trì tích cực trong năm 2025 nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và môi trường tín dụng dần nới lỏng trên toàn cầu.

Theo VNDirect, áp lực tỷ giá quay trở lại theo đà phục hồi mạnh của Chỉ số đô la Mỹ (DXY). Tuy nhiên, VNDirect cho rằng diễn biến này chỉ là tạm thời và áp lực tỷ giá có thể bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối quý 4/2024 nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm hai lần nữa từ nay tới cuối năm 2024, qua đó khiến DXY suy yếu; thặng dư thương mại tiếp tục mở rộng; dòng vốn FDI dồi dào; kỳ vọng về dòng kiều hối mạnh mẽ trong quý 4/2024./.