Thị trường châu Á yên ắng khi nhà đầu tư tìm manh mối về lãi suất
Tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.967,10 USD/ounce; giá dầu giao dịch chật vật sau khi trượt xuống mức thấp nhất của hơn ba tháng; còn chứng khoán sụt giảm.
Giá vàng châu Á “đứng yên” trong phiên ngày 8/11 trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm manh mối về chính sách lãi suất từ chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, kim loại palladium được sử dụng trong ngành sản xuất ôtô nới rộng đà giảm xuống mức thấp của 5 năm.
Khoảng 14 giờ 51 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.967,10 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/10 hôm 7/11. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng đi ngang ở mức 1.974,10 USD/ounce.
Đồng USD tăng giá so với rổ tiền tệ chính, khiến vàng được giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Người đứng đầu phụ trách bộ phận vĩ mô toàn cầu của Tastylive, ông Ilya Spivak, nhận định những rủi ro địa chính trị đang dần được giải quyết và do các ngân hàng trung ương “quay lưng lại” với việc tăng lãi suất, điều đó sẽ đẩy lợi suất xuống thấp hơn. Do đó không có nhiều chất xúc tác thúc đẩy giá vàng trong tuần này.
Ngày 7/11, một loạt quan chức Fed đã duy trì quan điểm về quyết định tiếp theo của Fed, nhưng lưu ý rằng họ sẽ tập trung thêm vào các dữ liệu kinh tế và tác động của lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi ý kiến từ Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ông Powell sẽ có bài phát biểu trong ngày 8 và 9/11.
Trên thị trường kim loại quý khác, lúc đầu phiên, giá palladium giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 là 1.016,06 USD/ounce, nhưng sau đó kim loại quý này khép phiên với mức giảm 3,3% xuống 1.021,37 USD/ounce.
Giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 22,51 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 0,2% xuống 889,46 USD/ounce.
Tại Việt Nam, lúc 14 giờ 51 phút, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,30-70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu gần mức thấp của 3 tháng
Giá dầu châu Á giao dịch chật vật trong phiên ngày 8/11 sau khi trượt xuống mức thấp nhất của hơn ba tháng trong phiên trước đó do những lo ngại về nhu cầu suy yếu tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển bắc tăng 15 xu xuống 81,76 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 2 xu xuống 77,35 USD/thùng. Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/7 hôm 7/11.
[Giá dầu giảm hơn 4%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7]
Các nhà phân tích Warren Patterson và Ewa Manthey thuộc Ngân hàng ING, cho biết thị trường rõ ràng ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông và thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân.
Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 7/11 cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 12 triệu thùng trong tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ trì hoãn việc công bố dữ liệu dự trữ hàng tuần cho đến tuần ngày 13/11.
Ngày 7/11, EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ tăng ít hơn một chút so với dự kiến trước đó trong khi nhu cầu sẽ giảm.
EIA hiện dự kiến tổng mức tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ giảm 300.000 thùng/ngày trong năm nay, trái ngược với dự báo tăng 100.000 thùng/ngày trước đó.
Cơ quan này cũng dự báo sản lượng dầu thô của Venezuela sẽ tăng ít hơn 200.000 thùng/ngày lên mức trung bình 900.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024 nhờ các lệnh trừng phạt của Mỹ được nới lỏng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính xuất khẩu ròng dầu bằng đường biển của sáu quốc gia Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn chỉ ở mức 600.000 thùng/ngày, dưới mức của tháng 4/2023, góp phần làm dịu những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Trong khi đó, số liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu.
Nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 10 cho thấy mức tăng mạnh, nhưng tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc lại giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến, làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Chứng khoán châu Á đi xuống
Các thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm trong phiên ngày 8/11 trong bối cảnh nhà đầu tư cố gắng tìm ra kế hoạch lãi suất của Fed, trong khi những lo ngại về nhu cầu khiến giá dầu gặp khó khăn để phục hồi sau đợt lao dốc phiên trước đó.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 32.166,48 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,6% xuống 17.568,46 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.052,37 điểm.
Chứng khoán Singapore, Seoul, Wellington và Jakarta đều giảm, trong khi chứng khoán Sydney, Đài Bắc, Manila, Mumbai và Bangkok tăng.
Có rất ít chất xúc tác thúc đẩy hoạt động kinh doanh và với căng thẳng địa chính trị dịu xuống, chính sách tiền tệ của Mỹ đang được chú trọng sau khi Fed vào tuần trước phát tín hiệu sẽ không thắt chặt tiền tệ nữa.
Tuy nhiên, các quan chức không đưa ra bất kỳ cam kết nào, thay vào đó họ nói rằng muốn thấy thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang có xu hướng thực sự giảm và thị trường lao động đã đủ yếu đi.
Số liệu ngày 3/11 cho thấy số lượng việc làm được tạo ra đang chậm lại, nhưng không quá đáng lo ngại về nền kinh tế. Thông tin này đã củng cố niềm tin rằng Fed đang nỗ lực hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế và tránh suy thoái kinh tế.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 33,14 điểm (3,07%) lên 1.113,43 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 8,74 điểm (4%) lên 227,03 điểm./.