Thị trường châu Á tăng mạnh trong lúc chờ số liệu quan trọng từ Mỹ
Sau khi chạm mức thấp nhất của hai tuần trong phiên trước đó, giá vàng phục hồi trong phiên chiều 27/5, trong khi đó giá dầu châu Á tăng trong bối cảnh thị trường chờ đợi cuộc họp của OPEC.
Giá vàng phục hồi trong phiên chiều 27/5 sau khi chạm mức thấp nhất của hai tuần trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu châu Á tăng trong bối cảnh thị trường chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ vào ngày 2/6 tới.
Giá vàng phục hồi từ mức thấp của hai tuần
Việc kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sụt giảm trước báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần này là yếu tố chính tác động đến thị trường vàng.
Khoảng 14 giờ 30 phút, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.340,09 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/5 là 2.325,19 USD/ounce hôm 24/5. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3% lên 2.341,50 USD/ounce.
Mặc dù chạm mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce hồi đầu tuần trước, song vàng đã giảm hơn 100 USD kể từ đó.
Nhà phân tích cao cấp Matt Simpson của công ty tài chính City Index nhận định giá vàng có thể phục hồi nhẹ từ mức hiện tại trước khi thử nghiệm lại vùng 2.280-2.300 USD/ounce. Mức giá này có thể giảm sâu hơn nếu số liệu của Mỹ tiếp tục vượt trội.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát được ưa thích của Fed, dự kiến được công bố vào ngày 31/5.
Vàng vốn được coi là tài sản phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, vì vàng không sinh lời.
Biên bản cuộc họp của Fed được công bố vào tuần trước cho thấy con đường đạt mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Dự đoán của các nhà giao dịch cho thấy sự hoài nghi về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn một lần trong năm 2024 ngày càng tăng.
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME, hiện tại, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11/2024 chỉ ở mức khoảng 62%.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), giá vàng giao ngay có thể thử nghiệm mức kháng cự tại 2.352 USD/ounce, nếu vượt qua mức này có thể mở đường cho giá vàng tăng lên 2.363 USD/ounce.
Nhu cầu vàng tại Ấn Độ đã tăng nhẹ trong tuần trước sau khi giá giảm từ mức cao kỷ lục, nhưng lượng mua bán lẻ vẫn thấp hơn bình thường, khiến các nhà giao dịch phải tăng mức giảm giá.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,5% lên 30,78 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 2,4% lên 1.050,60 USD/ounce và giá palladium tăng 1,8% lên 980,34 USD/ounce.
Tại Việt Nam, lúc 15 giờ 34, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 87,90-89,92 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Dầu vững giá khi sự chú ý tập trung vào OPEC+
Cũng trong phiên chiều 27/5, giá dầu châu Á tăng trong bối cảnh thị trường chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ vào ngày 2/6 tới.
Các nhà xuất sản xuất này dự kiến sẽ thảo luận việc duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến hết năm 2024.
Khoảng 13 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 7/2024 tăng 24 xu lên 82,36 USD/thùng, còn giá dầu giao tháng 8/2024 tăng 29 xu lên 82,13 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 28 xu lên 78 USD/thùng.
Dầu Brent đã khép tuần trước với mức giảm 2%, còn dầu WTI giảm gần 3% sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy một số quan chức sẵn sàng tiếp tục thắt chặt lãi suất nếu họ tin rằng đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát dai dẳng.
Thị trường dầu dự kiến sẽ giao dịch kém sôi động trong ngày 27/5 do nghỉ lễ tại Mỹ và Anh.
Cuộc họp sắp tới của OPEC+ đã bị lùi lại một ngày và sẽ được tổ chức trực tuyến. Các nhà sản xuất sẽ thảo luận về việc có nên kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang nửa cuối năm hay không. Các nguồn tin từ các nước OPEC+ cho biết việc gia hạn có khả năng xảy ra.
Nhà sáng lập công ty nghiên cứu SS WealthStreet có trụ sở tại Delhi, bà Sugandha Sachdeva cho biết giá dầu kỳ hạn dự kiến sẽ duy trì mức tăng của ngày hôm nay do kỳ vọng việc cắt giảm sẽ được kéo dài.
Tuy nhiên, bà Sachdeva cho biết quỹ đạo của giá dầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi số liệu Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) của Mỹ dự kiến công bố trong tuần, điều này sẽ định hình cách tiếp cận của Fed đối với các điều chỉnh lãi suất trong tương lai.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng tương đối mạnh mẽ trong một năm nữa, khoảng 2,25 triệu thùng/ngày, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến mức tăng chậm hơn nhiều, chỉ 1,2 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết sẽ theo dõi mức tiêu thụ xăng dầu khi Bán cầu Bắc bước vào mùa Hè, vốn là mùa đi lại cao điểm.
Thị trường cũng sẽ theo dõi chỉ số PCE của Mỹ trong tuần này để biết thêm tín hiệu về chính sách lãi suất. Chỉ số này, dự kiến được công bố vào ngày 31/5, được coi là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Trong một diễn biến khác, Goldman Sachs đã nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2030 từ 106 triệu thùng/ngày lên 108,5 triệu thùng/ngày (bpd).
Ngân hàng này cũng dự kiến nhu cầu dầu cao điểm sẽ xảy ra vào năm 2034 ở mức 110.000 triệu thùng/ngày, sau đó là giai đoạn ổn định kéo dài đến năm 2040.
Chứng khoán châu Á tăng trong lúc ngóng chờ số liệu lạm phát của Mỹ
Thị trường chứng khoán châu Á nối gót đà tăng trên phố Wall trong bối cảnh các nhà giao dịch ngóng chờ số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,7% lên 38.900,02 điểm.
Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,3% lên 18.859,83 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,1% lên 3.124,04 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Mumbai, Singapore đều tăng, tuy nhiên chứng khoán Jakarta, Bangkok, Manila và Wellington chìm trong sắc đỏ.
Tuần trước, tâm lý thị trường đã đi xuống sau khi các quan chức Fed cảnh báo họ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát được kiểm soát, làm dấy lo ngại Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Bên cạnh đó, các số liệu cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt bất chấp việc lãi suất vay vẫn ở mức cao nhất trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều hưởng lợi từ dữ liệu được công bố ngày 24/5 cho thấy kỳ vọng lạm phát một năm giảm nhẹ và niềm tin tiêu dùng tăng lên.
Làn sóng tích cực lan sang thị trường châu Á, nhờ thông tin lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng trong tháng 4/2024, sau khi giảm vào tháng trước.
Tâm điểm chú ý hiện đang chuyển sang chỉ số PCE của Mỹ, thước đo lạm phát được Fed ưa thích. Báo cáo PCE được công bố sau khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhẹ trong tháng 4/2024, sau khi tăng vượt dự báo trong ba tháng trước đó.
Ngoài ra, báo cáo "Sách Beige" của Fed về tình trạng nền kinh tế cũng sẽ được công bố, cung cấp thông tin về quan điểm của ngân hàng trung ương này về chính sách tiền tệ.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 5,75 điểm (0,46%) lên 1.267,68 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,46%) lên 242,83 điểm./.