Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Đề thi được xây dựng từ tình huống thực tế

Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có điều chỉnh về cấu trúc và cách ra đề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Quy chế thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, áp dụng từ năm 2025. Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ với báo chí về những điểm quan trọng của quy chế.

Thay đổi cấu trúc đề thi

- Thưa phó giáo sư, ông có thể cho biết đâu những điểm mới đáng chú ý của Quy chế thi?

Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Do đó, đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cụ thể, sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Kết quả thi được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá lại quá trình dạy, học, vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do đó, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Cụ thể, đề thi thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm tốt nghiệp.

Thí sinh sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học trung học phổ thông tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi. Theo đó, tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, kể cả thí sinh tự do – là đối tượng các năm trước phải đăng ký bản giấy.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ thí sinh phải nộp đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.

Bên cạnh đó, năm 2025, lần đầu tiên có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Phương thức mới giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng. Đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

- Với 10 môn lựa chọn, việc tổ chức thi các môn này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Do số lượng môn thi trong kỳ thi tăng so với trước đây và thí sinh được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn nên việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới.

Thí sinh làm bài thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Trong quá trình xây dựng Quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như bóc đề thi, phát đề thi, thu bài thi cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi.

Những khó khăn phức tạp này sẽ chỉ ở cấp quản lý và trong ngành giáo dục, còn đối với thí sinh thì mọi cách thức sẽ được triển khai bảo đảm thuận lợi hơn, dễ dàng hơn so với những năm trước đây.

Ví dụ từ năm 2024 trở về trước, các thí sinh có thể phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi, điều này gây khó khăn và vất vả cho thí sinh trong việc theo dõi. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định duy nhất trong suốt các buổi thi.

- Bộ có giải pháp gì để đảm quyền lợi với những thí sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông năm 2024 nhưng chưa tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp nhưng muốn thi lại để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, thưa ông?

Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Trong Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 ban hành Quy chế thi Tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này.

Cụ thể, trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).

Các thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hoặc đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

- Với những điểm mới trên, ông có lưu ý gì với thí sinh trong việc học và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi?

Giáo sư Huỳnh Văn Chương: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, các em cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12. Học sinh cần hiểu rõ mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Theo đó, phải hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các đề tham khảo giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.

Ngoài ra, đây là giai đoạn quan trọng, nhưng cũng dễ gây căng thẳng. Các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!