Thi Tốt nghiệp THPT: Thêm dạng trắc nghiệm mới, tăng chất lượng đánh giá

Theo các giáo viên, việc thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm mới là sự thay đổi tích cực vì sẽ đánh giá chính xác hơn năng lực học sinh.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Việc có thêm hai dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới là trắc nghiệm trả lời Đúng/Sai và trắc nghiệm trả lời ngắn bên cạnh dạng thức chọn một trong 4 phương án như truyền thống sẽ đánh giá chính xác hơn năng lực học sinh. Đây là nhận định của một số giáo viên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố định dạng đề thi của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.

Khắc phục những hạn chế

Thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn Toán của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng việc bổ sung thêm hai dạng thức trắc nghiệm cũng như cách thức tính điểm không cào bằng mà tăng theo độ khó đã khắc phục được một số điểm hạn chế của đề chỉ gồm các câu hỏi nhiều lựa chọn như hiện nay.

“Điều này giúp kết quả đánh giá sẽ sát với khả năng, năng lực thực chất của học sinh đồng thời tránh tình trạng học tủ, học lệch, học mẹo và đi sâu vào học bản chất, để phát triển năng lực của môn học theo đúng mục tiêu của chương trình 2018. Đây là những thay đổi rất tích cực,” thầy Thưởng cho hay.

Phân tích kỹ hơn, thầy Thưởng cho rằng việc cào bằng điểm số giữa câu dễ và câu khó đồng nghĩa với không cào bằng khả năng/năng lực của học sinh đối với các câu hỏi ở các cấp độ khác nhau. Việc bổ sung thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm giúp đánh giá sát hơn khả năng/năng lực của học sinh, đòi hòi học sinh phải có kiến thức thật, kỹ năng thật để có thể hoàn thành.

Với cách chia đều điểm ở dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn như hiện nay, nếu không có khả năng làm ra kết quả/không làm được ở một câu nào đó, học sinh vẫn có cơ hội được điểm bằng cách "chọn bừa/chọn lụi." Nhưng với đề theo định dạng mới, với các câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn, nếu học sinh không làm ra được kết quả cuối cùng thì việc viết bừa một đáp án có khả năng chính xác là vô cùng thấp, gần như bằng 0. Điều này giúp cho đề thi có sự phân hóa tốt hơn trong việc đánh giá khả năng/năng lực của học sinh.

Các giáo viên cho rằng việc có thêm hai dạng câu hỏi trắc nghiệm mới sẽ đánh giá chính xác hơn năng lực học sinh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Đây cũng là nhận định của thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Hệ thống giáo dục HOCMAI. Theo thầy Công, các dạng câu hỏi trắc nghiệm mới sẽ hạn chế được tình trạng các thí sinh làm bài kiểu "cầu may". Với dạng câu hỏi điền phương án trả lời ngắn đòi hỏi thí sinh phải hiểu thực sự bản chất vấn đề và làm được bài mới có điểm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng sự thay đổi này nằm trong lộ trình và quá trình đổi mới hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh. Với xã hội, hình thức này khác hoàn toàn so với phiên bản đề thi cũ nhưng với những chuyển biến về đổi mới giáo dục trong những năm qua thì không phải quá lạ hay gây sốc. Việc có thêm hình thức đúng- sai hay trả lời ngắn sẽ đánh giá chính xác hơn kỹ năng đọc hiểu, khả năng tư duy và diễn đạt của người học.

Học sinh cần thay đổi cách học ra sao?

Nhận định đề thi sẽ đánh giá chính xác hơn năng lực người học, các giáo viên cho rằng thí sinh cần học tập một cách nghiêm túc, thực chất hơn khi tính may rủi trong đề thi đã giảm. Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo cho rằng với dạng đề kiểm tra này, học sinh chỉ cần học và ôn tập kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, các em cần luyện tập và rèn luyện ở kỹ năng đọc hiểu, phân tích đề tốt thì việc đạt điểm cao không quá khó.

Theo thầy Lưu Huy Thưởng, với các dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới đòi hỏi học sinh phải có nền tảng kiến thức chắc chắn, kỹ năng thành thạo để có thể hoàn thành được đề thi, tránh học lệch, học tủ. Mục đích và bản chất của các dạng thức câu hỏi mới nhằm đánh giá chính xác hơn khả năng/năng lực của học sinh, theo định hướng đánh giá năng lực. Vì vậy, muốn đạt kết quả cao thì khả năng/năng lực của học sinh phải ở mức cao. Điều này, đòi hỏi học sinh học hiểu bản chất thay vì học “mẹo”, chăm chỉ luyện tập để thành thạo các kỹ năng.

Bên cạnh đó, học sinh nên chú trọng học ứng dụng vào thực tiễn. Phân tích từ đề thi minh họa, thầy Thưởng cho hay theo đúng mục tiêu của chương trình 2018, các câu hỏi ở mức vận dụng trong đề phần lớn là các câu hỏi vận dụng thực tiễn, ứng dụng giải một số vấn đề trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất của kiến thức và khả năng kết nối/ứng dụng các kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đây cũng là lời khuyên của thầy Nguyễn Thành Công. Theo thầy Công, sự thay đổi dạng câu hỏi đã tiếp cận dần mục tiêu đánh giá năng lực học sinh sau khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng phân tích bảng, biểu, số liệu được áp dụng nhiều hơn, các câu hỏi vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống./.