Thi tốt nghiệp THPT 2023: Vá 'lỗ hổng' sau vụ lộ đề năm 2021
Điều chỉnh phần mềm, thay đổi tiêu chí lựa chọn người ra đề thi là những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai để khắc phục các "lỗ hổng" dẫn đến vụ lộ đề năm 2021.
Trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh để hoàn thiện quy trình, vá các “lỗ hổng” dẫn đến vụ lộ đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021.
Bổ sung quy chế, chỉnh sửa phần mềm
Năm 2023, bộ đã sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT với tiêu chuẩn người ra đề thi. Cụ thể, theo quy định mới áp dụng từ năm 2023, người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Theo quy định cũ, các cán bộ, giáo viên đã về hưu vẫn được tham gia ra đề thi.
Về phần mềm ra đề thi, theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện, thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.
[Bộ Công an: Nhiều sai sót trong việc ra đề thi tốt nghiệp THPT]
Trước đó, phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban đầu hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng trong Hội đồng ra đề thi năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2019, phần mềm này đã bị chỉnh sửa từ xuất đề ngẫu nhiên sang chủ động, thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp, sử dụng ra đề thi từ năm 2019 đến năm 2021, vi phạm quy định của quy chế thi Trung học Phổ thông.
Cũng theo ông Chương, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc rà soát ma trận đề của 15 môn thi; xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo; rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho hội đồng ra đề thi.
Trước đó, ngay sau khi kết thúc Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, một giáo viên ở Hà Nội đã phát hiện đề luyện thi môn Sinh học của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh giống đến trên 90% so với đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi chính thức. Lực lượng công an đã vào cuộc điều tra.
Xử lý hình sự
Ngày mai, 29/6, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án làm lộ đề thi môn Sinh học tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Hai bị cáo trong vụ án này tại thời điểm phạm tội đều là chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm Phạm Thị My (sinh năm 1963) và Bùi Văn Sâm (sinh năm 1949), bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.
[Huy động gần 8.000 giảng viên đại học thanh tra thi tốt nghiệp THPT]
Theo cáo trạng, năm 2019, ông Sái Công Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Trung học Phổ thông), Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và Chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018, 2019, 2020 đã yêu cầu cán bộ kỹ thuật chỉnh sửa phần mềm bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm. Do đó, phần mềm không còn được rút ngẫu nhiên nữa mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi, trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.
Biết được điều này, bà My và ông Sâm là hai chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách ra đề thi môn Sinh học năm 2021 đã sắp xếp đặt các câu hỏi do mình biên soạn vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn xây dựng thành đề thi chính thức.
Bà My và ông Sâm cũng mang các tài liệu ra đề thi về nhà và có sử dụng để dạy cho 8 thí sinh là con em người thân, quen.
Cũng theo cáo trạng, Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định ông Sái Công Hồng và cán bộ kỹ thuật có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và không biết các bị can thực hiện hành vi phạm tội, nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Đối với ông Phan Khắc Nghệ, kết quả điều tra đến nay không có căn cứ xác định ông Nghệ có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, nên không có căn cứ xử lý./.