Thi công cầm chừng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vì thiếu mặt bằng, đất đắp

Các mỏ đất quy hoạch phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chưa được cấp phép khai thác, trong khi đó nguồn đất ngoài thị trường khan hiếm, giá cao... khiến việc thi công cao tốc gặp nhiều khó khăn.

Máy móc thi công tại nút giao Long Thành của cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Dù đã khởi công được hơn 8 tháng nhưng đến nay cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai mới chỉ bàn giao được gần 20% mặt bằng.

Các mỏ đất quy hoạch phục vụ dự án chưa được cấp phép khai thác, trong khi đó nguồn đất ngoài thị trường khan hiếm, giá cao... khiến việc thi công cao tốc gặp nhiều khó khăn. Nếu không kịp thời tháo gỡ, dự án có nguy cơ chậm tiến độ.

Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối năm 2023, đơn vị thi công nút giao Long Thành trên cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu mới tiếp nhận được hơn 3 ha mặt bằng. Toàn bộ mặt bằng được bàn giao là đất của tổ chức, số còn lại (hơn 5ha) đất hộ gia đình đang sử dụng vẫn chưa được bàn giao. Có một ít mặt bằng song do đường điện, ống nước trong phạm vi nút giao chưa được di dời nên việc thi công của nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Xuân Nam, Chỉ huy trưởng thi công nút giao Long Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cho biết, đến nay hầu hết người dân trong phạm vi xây dựng nút giao vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ. Nhà thầu mong muốn ngành chức năng sớm xây dựng khu tái định cư, di dời dân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao đất phục vụ dự án.

Trong liên danh gói thầu số 10, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thì Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) được giao xây dựng khoảng 9 km đường với gần 56 ha đất.

Đến nay, CC1 mới nhận được 7 ha mặt bằng. Dù mặt bằng bàn giao ít, không liền mạch nhưng những tháng qua nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc đào đắp được một số đoạn. Do Đồng Nai không có mỏ đất phục vụ dự án nên nhà thầu phải mua đất thương mại. Tuy nhiên, nguồn đất trên thị trường rất khan hiếm, không ổn định.

Theo ông Trần Trường Sơn - Chỉ huy phó nhà thầu CC1, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, CC1 đang phải mua đất từ các mỏ cách xa công trường khoảng 30 km với giá cao hơn giá dự toán của dự án. Để làm 9 km đường, CC1 cần hơn 700.000 m3 đất, khi dự án thi công đồng loạt, nguồn đất thương mại chắc chắn không đáp ứng đủ. Nhà thầu mong cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, có cơ chế để giải quyết bài toán vật liệu san lấp phục vụ dự án.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Bồi thường), cho biết cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài gần 54 km; trong đó đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km, được chia làm 2 dự án thành phần.

Để triển khai dự án ngành chức năng phải thu hồi hơn 290 ha đất của nhiều tổ chức và khoảng 3.500 hộ tại 11 xã, phường ở thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, đồng thời xây dựng 4 khu tái định cư.

Quá trình giải phóng mặt bằng cao tốc Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do vùng dự án có hàng loạt trường hợp mua bán đất đai bằng giấy viết tay, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; khu tái định cư chậm được xây dựng. Ngoài ra, cao tốc cần hơn 5 triệu m3 đất đắp, song tỉnh không có mỏ đất cung cấp cho dự án.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, trước đây việc giải phóng mặt bằng phục vụ 2 dự án thành phần cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu do Ban Bồi thường đảm nhận. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, mới đây, tỉnh đã thống nhất chủ trương giao huyện Long Thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2. Để bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất cho dự án, Đồng Nai đã khởi công xây dựng 2 khu tái định cư.

Hiện Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn phục vụ sân bay Long Thành còn thừa hơn 1.800 lô đất, tỉnh kiến nghị Trung ương cho phép được bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất phục vụ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn. Cho phép tỉnh sử dụng đất giai đoạn 2 sân bay Long Thành để đắp nền cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai chậm, chưa đạt yêu cầu. Do diện tích bàn giao ít nên các đơn vị chưa thể thi công đồng loạt trên tuyến.

Mặt bằng tại gói thầu số 10, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu bàn giao ít, không liền mạch khiến nhà thầu không thể thi công đồng loạt. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý đầu tư, Xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng tại Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua các khu dân cư đông đúc, mật độ xây dựng cao. Vùng dự án có nhiều hồ sơ đất phức tạp, cần thời gian để xác minh, làm rõ.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, tỉnh cần tăng cường lực lượng để làm công tác kiểm đếm đất đai, tài sản, xác nhận nguồn gốc đất. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương giải quyết khó khăn về nguồn đất đắp.

Theo kế hoạch, năm 2025 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện dự án đoạn qua Đồng Nai vẫn rất ì ạch, bộn bề. Nếu các đơn vị liên quan không có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, dự án có nguy cơ không đạt tiến độ đề ra./.