Theo dấu chân đoàn quân chiến thắng: “Đất thép” Xuân Lộc nở hoa
Trong tháng 4/1975, Xuân Lộc-Long Khánh trở thành mục tiêu chiến lược của ta và địch. Ta quyết tâm đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc để giải phóng Biên Hòa, tiến về Sài Gòn.
Chiến dịch Xuân Lộc (từ 9/4 đến 21/4/1975) diễn ra trong bối cảnh chiến dịch mùa khô 1974-1975 ở miền Nam đã giành thắng lợi to lớn.
Quân và dân ta đã giải phóng Tây Nguyên và tuyến Duyên hải miền Trung Trung Bộ.
Trong tháng 4/1975, Xuân Lộc-Long Khánh trở thành mục tiêu chiến lược của ta và địch. Ta quyết tâm đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc để giải phóng Biên Hòa, tiến về Sài Gòn. Địch cố giữ Xuân Lộc nhằm ngăn chặn quân chủ lực cách mạng ở phía Đông, hòng duy trì chế độ tay sai ở Sài Gòn.
Mở “cánh cửa thép”
Nếu như Phan Rang được xem là “lá chắn thép” bảo vệ từ xa cho Sài Gòn, Xuân Lộc (Đồng Nai) được xem là tuyến phòng thủ trọng yếu của chính quyền Sài Gòn, được xem là “cánh cửa thép.”
Xuân Lộc mất thì Sài Gòn sẽ tan rã, nên chính quyền Sài Gòn đã bố trí lực lượng phòng ngự mạnh nhất với khoảng 12.000 quân, cùng phương tiện khí tài, vũ khí hiện đại, biến nơi đây trở thành điểm “tử thủ” bảo vệ chính quyền. Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến sáng 21/4/1975, quân ta đã Giải phóng Xuân Lộc, mở đường tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn.
Cuộc tiến công Xuân Lộc giải phóng Long Khánh diễn ra ác liệt, là một trong những thử thách oanh liệt của Quân đoàn 4 và quân dân Bà Rịa, Long Khánh. Sau 12 ngày đêm chiến đấu giành giật với kẻ thù từng lô cốt, hầm hào, chịu đựng hàng chục nghìn tấn bom đạn, trong đó có vũ khí hủy diệt lần đầu tiên sử dụng ở chiến trường miền Nam (bom CBU), Quân đoàn 4 và quân dân Bà Rịa-Long Khánh, Tân Phú, Biên Hòa đã hợp đồng chiến đấu, làm nên chiến thắng vô cùng oanh liệt; đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Biên Hòa, giải phóng Sài Gòn.
Nói về mối tương quan Chiến dịch Xuân Lộc với giải phóng Biên Hòa, ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai kể lại: Chiến dịch Xuân Lộc được mở ra cùng thời điểm Khu ủy, Bộ Tư lệnh miền Đông phổ biến Chỉ thị của Trung ương và Trung ương Cục giải phóng miền Nam cho Thường vụ Thành ủy Biên Hòa.

Đêm 9/4/1975, nội dung Chỉ thị Trung ương giải phóng miền Nam và kế hoạch giải phóng Biên Hòa đã được phổ biến cho phân ban Thành ủy trong nội thành Biên Hòa.Tiếng súng tấn công của quân và dân ta ở Xuân Lộc đã tác động mạnh mẽ đến người dân thành phố Biên Hòa và Sài Gòn.
“Tôi đã chứng kiến dân chúng thành phố Biên Hòa ở thời điểm này bàn tán sôi nổi rằng, Quân giải phóng đánh thắng Buôn Ma Thuột, Quân giải phóng bao vây đánh địch ở tỉnh lỵ Long Khánh... Binh lính Ngụy tại chỗ và các nơi chạy dồn về thành phố Biên Hòa đông nghẹt, tâm trạng hoang mang lo sợ,” nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa kể lại trong cuốn Chiến thắng Xuân Lộc-Long Khánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Theo ông Phan Văn Trang, lực lượng cách mạng tại chỗ lúc này có nhiệm vụ tuyên truyền vận động, tác động tinh thần để binh sĩ Ngụy bỏ ngũ. “Kẻ thù hoang mang run sợ, các tầng lớp nhân dân sôi nổi vui mừng; lực lượng cách mạng có tổ chức ở nội thành nhân lên gấp bội. Ủy ban khởi nghĩa đã được thành lập ở các phường, xã trong toàn thành phố và khu công nghiệp Biên Hòa.
Lực lượng vũ trang, lực lượng quần chúng có tổ chức chờ lệnh cướp chính quyền; cờ, khẩu hiệu, lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa đã ghi âm; 10 điều kêu gọi binh sỹ Ngụy bỏ súng về với nhân dân được dán khắp nơi trong thành; tất cả mọi mặt đã chuẩn bị sẵn sàng,” ông Phan Văn Trang viết và cho biết, khi Xuân Lộc-Long Khánh giải phóng hoàn toàn, thành phố Biên Hòa đã hoàn tất các kế hoạch bố trí lực lượng kết hợp Quân đoàn 4, đánh vào những điểm then chốt, lực lượng tại chỗ nhanh chóng cướp chính quyền.
Ngày 30/4/1975, quân ta tiếp quản sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình. Đúng 10 giờ cùng ngày, Quân giải phóng chiếm tòa hành chính tỉnh Biên Hòa; Quân đoàn 4 thần tốc tiến về Sài Gòn, cùng với các cánh quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong hồi ký “Những kỷ niệm của một đời người,” ông Phan Văn Trang ghi lại không khí ở Biên Hòa trong đêm 30/4/1975: “Toàn thành phố tối 30/4, ánh điện sáng choang, dân tình vui vẻ. Niềm vui giải phóng quê hương, được sống tự do đã tiếp sức, khiến ai nấy đều không biết mệt, quên cả cái đói.”

Ông Phạm Quốc Thân, thời điểm đó là chiến sỹ thuộc Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Xuân Lộc bùi ngùi: “Để có được ngày chiến thắng, chỉ riêng Sư đoàn 341 đã có hơn 1.200 cán bộ, chiến sỹ bị thương và hy sinh. Chúng ta, những người còn sống, những người tiếp bước sau này, phải biết ơn thế hệ đi trước, xương máu của đồng chí, đồng bào đổ xuống cho mảnh đất này đơm hoa, kết trái."
"Đất thép" nở hoa
Ông Lê Kim Bằng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, cho biết sau giải phóng, Xuân Lộc là huyện nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng gần như là số không. Hiện nay, Xuân Lộc đã là một trong 3 huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, cũng là huyện đầu tiên ở nước ta hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện, giá trị thu nhập đối với các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn Xuân Lộc đạt hơn 348 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 95 triệu đồng/người/năm. Huyện Xuân Lộc đã vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Về thăm huyện Xuân Lộc vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tin tưởng, ngày 30/4/1975, huyện Xuân Lộc và tỉnh Đồng Nai cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất; 50 năm sau, huyện Xuân Lộc và tỉnh Đồng Nai bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm mươi năm sau ngày giải phóng, Đồng Nai được đánh giá đang ở "thời điểm vàng," hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, tỉnh Đồng Nai xác định gắn phát triển của địa phương với vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt phát huy lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thành phố sân bay và chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai với hệ thống giao thông kết nối, các tuyến cao tốc, đường vành đai 3,4, cảng biển, logistics…
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai đang quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Tỉnh lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0.” Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai kỳ vọng và cho biết để đạt được những mục tiêu đó, Đồng Nai đã xác định 5 nhiệm vụ đột phá để phát triển.
Trong đó, Đồng Nai tập trung khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon, tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ; triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp…/.