Thêm một địa phương của tỉnh Quảng Ninh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi
Tại huyện Hải Hà, tính đến ngày 31/5 đã có 88 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tại 4 xã gồm Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Long và Đường Hoa.
Sau thị xã Quảng Yên, đến nay huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã có 4 xã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đáng nói trong giai đoạn hiện nay có nguy cơ cao để dịch lây lan.
Tại huyện Hải Hà, tính đến ngày 31/5 đã có 88 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tại 4 xã gồm Quảng Minh, Quảng Thành, Quảng Long và Đường Hoa.
Để chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, huyện Hải Hà đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai khoanh vùng bao vây ổ dịch; lập các chốt kiểm soát; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh; tổ chức chôn, tiêu hủy toàn bộ lợn ốm chết do mắc bệnh theo quy định.
Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống dịch bệnh, cập nhật, rà soát số lượng lợn, phát hiện sớm lợn mắc bệnh mới để xử lý kịp thời, quản lý chặt chẽ đàn lợn chưa mắc bệnh trên địa bàn toàn huyện.
Tại thị xã Quảng Yên sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 14/5, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, dập dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn đang diễn ra và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Đến nay địa phương này đã có 3 xã Tiền Phong, Liên Vị, Tân An và 1 phường Minh Thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng số 123 con.
Công tác phun tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch vẫn đang được thị xã tích cực thực hiện.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp, phòng chống, khống chế dịch bệnh.
Để đạt được hiệu quả, trước hết là phòng, khuyến cáo các hộ dân hạn chế mua bán, nhập tái đàn, nếu tái đàn thì phải kiểm soát được nguồn giống lợn đảm bảo không dịch bệnh, mua giống ở các cơ sở chăn nuôi an toàn về nuôi. Hướng dẫn các địa phương, hộ nuôi chủ động nguồn vật tư, hóa chất, khử trùng để phục vụ cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch.
Theo cơ quan chuyên môn, trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, các hộ chăn nuôi lợn tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; đảm bảo dinh dưỡng cho đàn lợn.
Mặt khác, không tái đàn trong thời điểm này; không vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, chết, không giấu dịch và thực hiện việc tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra./.