Thể thao Việt Nam: Hành trình từ SEA Games 31 tới Olympic và ASIAD

Thành công ở đấu trường lớn như Olympic và ASIAD vẫn là mục tiêu hàng đầu của thể thao Việt Nam sau khi có bước đệm vững chắc từ SEA Games 31.

Đoàn thể thao Việt Nam khép lại SEA Games 31 với thành tích đứng đầu bảng tổng sắp cùng 205 huy chương vàng, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với chỉ 98 huy chương vàng.

Với thành tích này, thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực sau nhiều lần góp mặt ở tốp 3 đoàn thể thao mạnh nhất các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây.

Chia sẻ trước khi SEA Games 31 chuẩn bị khép lại, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn cho biết thành công tại SEA Games 31 sẽ là bước đà cần thiết để thể thao Việt Nam hướng đến đấu trường lớn ASIAD và Olympic.

Dấu ấn chuyên môn đậm nét

Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng tại SEA Games 31 dù trước đó chỉ giành về tổng cộng 286 huy chương ở kỳ Đại hội cách đây 3 năm.

Số huy chương vàng của thể thao Việt Namở SEA Games 31 còn gần gấp 4 lần thành tích đạt được tại SEA Games 29.

Sự vượt trội về thành tích trên bảng tổng sắp ấy khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bất ngờ, thậm chí đặt câu hỏi rằng “Liệu có phải Việt Nam được hưởng lợi vì là nước chủ nhà?.”

Tuy nhiên, mọi thành công trên bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 31 của Đoàn thể thao Việt Nam đều tới từ thành tích chuyên môn ấn tượng.

Đoàn thể thao Việt Nam ghi dấu ấn chuyên môn đậm nét tại SEA Games 31. (Ảnh: TTXVN)

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn chia sẻ: “Năm 2003, chúng ta tổ chức SEA Games và đứng nhất với 158 huy chương vàng. Lần này, chúng ta có 205 huy chương vàng. Thể thao Việt Nam đã chơi sòng phẳng, mọi nội dung thi ASIAD, Olympic đều nằm trong chương trình thi đấu.”

“Về tương quan lực lượng các quốc gia, tôi đánh giá sẽ có cạnh tranh gay cấn giữa các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, cùng với Malaysia, Philippines, Singapore. Chúng ta giành 205 huy chương vàng và cho thấy sự vượt trội so với quốc gia. Điều này là bất ngờ, tuy nhiên không bất thường. Bởi trước đó, khi bộ phận chuyên môn rà soát nội dung thi đấu, nhất là các môn Olympic và ASIAD, chúng tôi đã so sánh, đối chiếu với các đoàn thể thao nước khác và dự kiến giành từ 145 đến 185 huy chương vàng, ” ông Phấn nói.

Ông Phấn khẳng định Đoàn thể thao Việt Nam đã không sử dụng bất cứ “kỹ thuật” nào để cố tình gia tăng thành tích mà hoàn toàn chiến thắng bằng thực lực.

Điều tạo nên sự khác biệt của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 so với những kỳ Đại hội trước nằm ở việc được tham dự nhiều nội dung thi đấu hơn và đặc biệt được tiếp thêm sức mạnh nhờ thi đấu trên sân nhà. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan cũng đã tạo nên thành công của nước chủ nhà.

Thể thao Việt Nam thành công ở các môn thi đấu Olympic tại SEA Games 31. (Ảnh: TTXVN)

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho hay: “Tôi có trao đổi với Trưởng đoàn thể thao các nước. Các đoàn thừa nhận do đại dịch COVID-19 nên vận động viên không được chuẩn bị tốt, liên tục bị ngắt quãng. Tuy nhiên, vận động viên Việt Nam không bị như thế khi đã tập luyện suốt 2 năm qua, chỉ có không được thi đấu ở nước ngoài.”

“Ngoài ra, tinh thần, ý chí và nghị lực của vận động viên Việt Nam ở SEA Games là rất ấn tượng. Tất cả đều đặt kỳ vọng trước giải đấu và quyết tâm thi đấu hết mình. Có những người mới lần đầu dự SEA Games, được thi đấu trước khán giả, được gia đình động viên nên đã có động lực để gặt hái thành tích rất tốt,” ông Phấn nhấn mạnh.

Tại SEA Games 31, trong tổng số 205 huy chương vàng mà Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được có nhiều thành tích đáng chú ý ở những môn thi đấu thuộc nhóm Olympic. Điển hình trong số này là điền kinh và bơi lội sau khi lần lượt giành tổng số 33 huy chương vàng, chiếm gần 20% thành tích toàn đoàn.

Đó là điểm sáng của thể thao Việt Nam trong mục tiêu hướng đến đấu trường lớn như ASIAD và Olympic đồng thời là lời khẳng định của đoàn thể thao nước chủ nhà cho dấu ấn chuyên môn đậm nét, chiến thắng bằng thực lực.

Tuy nhiên, Đoàn thể thao Việt Nam vẫn còn tiếc nuối nhỏ khi chưa giành được thành tích ấn tượng ở môn thể thao Olympic bắn cung.

Ông Phấn cho biết: “Thể thao Việt Nam kỳ vọng huy chương vàng bắn cung ở SEA Games 31, nhưng sau cùng lại không đạt được. Tôi đã yêu cầu lãnh đạo môn tập trung thảo luận, tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho bắn cung để hướng tới Olympic. Chúng ta phải chờ từ hai đến ba kỳ Olympic mới có hy vọng giành huy chương vàng.”

Hướng đến thành công ở ASIAD và Olympic

Ở thời điểm hiện tại, sau khi hoàn thành SEA Games 31 ấn tượng, Đoàn thể thao Việt Nam mong muốn đây sẽ là bước đệm để hướng đến những thành tích tốt hơn.

Giành thành tích cao ở hai đấu trường lớn của châu Á và thế giới không phải là mục tiêu mới trong vòng bốn năm qua, song vẫn là nỗi trăn trở với ngành thể thao Việt Nam.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết thể thao Việt Nam sẽ cần tập trung vào một số môn trọng điểm để giành huy chương Olympic, trong đó liên thông với ASIAD.

Ông Phấn chia sẻ: “Chúng ta có chiến lược đầu tư Olympic, lựa chọn các vận động viên trọng điểm xuất sắc. Tuy nhiên, trong 20 năm, thể thao Việt Nam rất khó có huy chương Olympic. Đó là nhiệm vụ bất khả thi. Ở ASIAD, chúng ta cũng đã khó giành huy chương vàng bơi, điền kinh. Các vận động viên thế giới rất mạnh, được đầu tư mạnh. Vì vậy, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho ASIAD và đầu tư xã hội hóa ở cấp độ địa phương cho SEA Games đồng thời cần khoanh vùng kỹ lưỡng mới có thể đầu tư đúng đắn.”

Tuy đứng đầu SEA Games 31 với thành tích "khủng," song thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu rất hạn chế ở ASIAD, từ 5 đến 10 huy chương vàng. Trong khi đó, vận động viên Việt Nam chưa nghĩ tới huy chương vàng tiếp theo ở Olympic sau lịch sử được xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thiết lập.

“Khi xem xét mọi nội dung tham dự ASIAD, thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho khoảng 30 vận động viên chuẩn bị cho ASIAD 2022 và Olympic 2024. Tuy nhiên, ASIAD bị hủy, chưa biết bao giờ tổ chức lại được. Dù với số lượng huy chương SEA Games 31 nhiều như thế, song chúng ta chỉ đặt mục tiêu từ 3-5 huy chương vàng trong nhóm 30 vận động viên trọng điểm cho ASIAD,” ông Phấn cho hay.

Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam tiếp tục hành trình chinh phục ASIAD và Olympic. (Ảnh: TTXVN)

Ông Phấn cũng thừa nhận một thực tế rằng thể thao Việt Nam chưa thể khoanh vùng để đầu tư đầy đủ, bài bản và chuẩn mực theo quy định quốc tế. Thế nên, cơ hội vận đông viên đoạt huy chương vàng châu lục và thế giới còn khó khăn. Với thực lực hiện nay, vận động viên Việt Nam đạt được vinh quang đã phải cố gắng rất nhiều khi chưa thể được đầu tư mạnh như đối thủ.

“Số các vận động viên Singapore dự SEA Games ít, nhưng thành tích ở các môn Olympic lại rất tốt. Ở ASIAD và Olympic, Việt Nam ít huy chương hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore. Các quốc gia này tập trung đầu tư có trọng điểm từ rất lâu. Nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư, khó hướng tới ASIAD và Olympic. Các đội tuyển quốc gia Việt Nam đều tập huấn ở trung ương để tập trung cho SEA Games, không môn nào tập ở địa phương. Trong khi đó, các nước khác không làm như thế,” ông Phấn nhấn mạnh.

Dẫu vậy, trong tương lai không xa, mục tiêu huy chương vàng ở ASIAD và Olympic sẽ không còn trở nên bất khả thi. Với những kỷ lục liên tục được xác lập ở môn bơi và điền kinh tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam có hy vọng hơn trong bước tiến tiếp theo sau 20 năm phát triển và vươn mình./.

Hiển Nguyễn (Vietnam+)