Thế giới có 2.100 đầu đạn hạt nhân trong tình trạng "sẵn sàng hoạt động"

Theo báo SIPRI, tính đến tháng 1/2023, thế giới có khoảng 12.121 đầu đạn hạt nhân với 9.585 đầu đạn nằm trong kho dự trữ, trong đó, 2.100 đầu đạn trong tình trạng "sẵn sàng hoạt động ở mức độ cao."

Một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III của Mỹ tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California ngày 5/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới đang đối mặt với nguy cơ gia tăng từ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các quốc gia sở hữu đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí và căng thẳng quốc tế leo thang.

Trong báo cáo hằng năm được công bố ngày 17/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết các nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân đang gặp phải những trở ngại lớn, do căng thẳng quốc tế xoay quanh các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza.

Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nhấn mạnh: "Kể từ Chiến tranh Lạnh, chúng tôi chưa từng thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế."

Theo báo SIPRI, nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang đẩy mạnh việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình trong năm 2023.

Tính đến tháng 1/2023, thế giới có khoảng 12.121 đầu đạn hạt nhân, với khoảng 9.585 đầu đạn nằm trong kho dự trữ quân sự để có thể sử dụng khi cần.

Trong số này, khoảng 2.100 đầu đạn được đặt trong tình trạng "sẵn sàng hoạt động ở mức độ cao" dành cho tên lửa đạn đạo.

Giám đốc SIPRI Dan Smith bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, đồng thời cảnh báo xu hướng đáng lo ngại này có thể sẽ tăng tốc trong những năm tới.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza làm gia tăng căng thẳng quốc tế, gây phương hại cho an ninh toàn cầu, đồng thời đặt ra trở ngại cho các nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân và khiến nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân trở nên cao hơn.

Trước bối cảnh đáng quan ngại này, các nhà nghiên cứu SIPRI kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới cần đánh giá cẩn trọng những rủi ro tiềm ẩn từ vũ khí hạt nhân và tác động tiêu cực đối với an ninh toàn cầu.

SIPRI cũng hối thúc các nước tăng cường các nỗ lực ngoại giao thông qua đối thoại và hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức an ninh chung, giảm thiểu nguy cơ về vũ khí hạt nhân và tăng cường an ninh toàn cầu./.