Thế giới cần đầu tư vào năng lượng tái tạo 1.300 tỷ USD mỗi năm
IRENA cho biết để huy động được 1.300 tỷ USD mỗi năm cần phải "giảm thiểu rủi ro đầu tư và cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp" ở các nước đang phát triển.
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), ngày 30/10, cho biết các nước đang phát triển cần phải nhanh chóng mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu diễn ra theo đúng kế hoạch, hạn chế hiện tượng nóng lên của Trái Đất.
Báo cáo được IRENA công bố ngay trước thềm Hội nghị Lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sắp diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) từ ngày 30/11 đến hết ngày 12/12/2023.
IRENA cho biết dựa trên nhu cầu điện ngày càng tăng và vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo trong các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt tiếp cận năng lượng tại các nước đang phát triển, năng lượng tái tạo cần phải được tăng cường.
Một trong những khuyến nghị chính mà tổ chức này đưa ra bao gồm việc sản xuất năng lượng tái tạo phải tăng gấp ba lần trên toàn cầu vào năm 2030. Đây là một yêu cầu cầp thiết để phù hợp với các mục tiêu đầy tham vọng mà Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber đã đặt ra.
Bên cạnh khuyến nghị mở rộng năng lượng tái tạo cho các nước đang phát triển, IRENA cũng lưu ý rằng thế giới nên huy động để đạt mức đầu tư vào năng lượng tái tạo hàng năm là 1.300 tỷ USD vào năm 2030, tăng đáng kể so với mức 486 tỷ USD của năm 2022.
[Hội nghị COP28 - Hội nghị quan trọng nhất của LHQ trong 8 năm]
Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải "giảm thiểu rủi ro đầu tư và cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp" ở các nước đang phát triển.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường nguồn tài trợ chống biến đổi khí hậu từ các ngân hàng phát triển đa phương và chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo, khu vực châu Phi, giai đoạn 2000-2020, chỉ nhận được 2% trong tổng số 2.841 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Để thay đổi bất cập này, cần có các mô hình tài chính đổi mới - chẳng hạn như mở rộng quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở hạ tầng điện ở các quốc gia đang phát triển.
Báo cáo cho biết: “Có một nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường quy hoạch cơ sở hạ tầng liên ngành, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và phát triển lưới điện khu vực."
Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015 đã đặt ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ Tiền Cách mạng Công nghiệp.
Theo giới quan sát, COP28 được coi là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong 8 năm vì các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris./.