Thấy gì từ phim 'Mai' với thành tích lọt 'top 20' doanh thu toàn cầu?

Việc đưa phim Việt ra quốc tế là rất quan trọng, nhưng đòi hỏi nhà sản xuất phải tính toán và đầu tư kỹ lưỡng về cả chất lượng, cách làm... để thực sự chinh phục được khán giả nước ngoài.

Diễn xuất của Phương Anh Đào là điểm sáng nổi bật trong "Mai." (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Sau thành công ở Việt Nam, phim “Mai” của Trấn Thành tiếp tục thu thêm hơn 1 triệu USD khi công chiếu quốc tế. Cùng khoảng 520 tỷ đồng tiền vé trong nước, “Mai” đang nằm trong "top 20" phim có doanh thu toàn cầu cao nhất trong bốn tháng đầu năm.

Có thể nói phim đã thành công ở khía cạnh doanh số, song theo các chuyên gia, "Mai" vẫn chưa thực sự vượt ra khỏi "ranh giới Việt Nam..."

Khán giả của "Mai" chủ yếu là người Việt?

Theo nền tảng Box Office Mojo, tính tới 4/4, Mai đang đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng phim có doanh thu cao nhất thế giới năm 2024. Phim thu 22,24 triệu USD tương đương khoảng 556 tỷ đồng, trong đó có khoảng 520 tỷ đồng doanh thu từ thị trường trong nước.

Ra thị trường quốc tế, phim thu trên 1 triệu USD. Trong số này, gần 90% đến từ thị trường Bắc Mỹ (917.000USD từ 154 rạp Mỹ, Canada), phần còn lại là từ các thị trường châu Âu (133.000USD từ hơn 40 rạp ở Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan).

Tuy vậy, khán giả của "Mai" dường như chủ yếu là người Việt. Anh Siêu Nguyễn (chuyên viên Marketing của HBO từng chạy chiến dịch quảng bá cho các series lớn như “Euphoria,” “The Idol”) nhận định khán giả đi xem phim đa phần là “người Việt Nam ở nước ngoài và người yêu ngoại quốc của họ. Khán giả đến rạp chủ yếu là người Việt tò mò hoặc muốn nghe tiếng mẹ đẻ vang lên trong cụm rạp lớn như AMC.”

Phim "Mai" chiếu trong một rạp tại thành phố Boston, Mỹ

Từ kinh nghiệm sản xuất phim, tiếp xúc và phân tích nhiều kịch bản, Siêu Nguyễn cho rằng cách xử lý kịch tính đã gây ảnh hưởng tới diễn xuất và cảm xúc của toàn bộ phim “Mai.”

Về diễn xuất, anh cho rằng các diễn viên rất có duyên và làm tốt trong nửa đầu phim, nhưng khi bi kịch ập đến thì trở nên thái quá. Tại đây các cảm xúc được dâng đến điểm cực, mà chưa có “lộ trình cảm xúc” hay sự chuyển dịch đủ nhẹ, tinh tế (nuance) cho thấy sự phức tạp ở mỗi người trong một hoàn cảnh cụ thể.

Về kịch bản và nhân vật, Mai là nữ chính của phim nhưng không thể hiện rõ động cơ xuyên suốt. Phần bước ngoặt (plot twist) hé lộ quá khứ của Mai bị coi là chưa văn minh, “hầu như chỉ để gây sốc và giải quyết mâu thuẫn một cách dễ dãi” thay vì được dùng để khai thác sâu về những tự ti, mặc cảm và phức tạp trong Mai, chưa gây tác động đến mức thương xót hay đồng cảm ở mức độ thực sự sâu sắc.

Cùng với nhiều lý do khác, Siêu Nguyễn cho rằng “Mai” vẫn chưa đủ tầm để ra thế giới, dù không thể phủ nhận Trấn Thành đã có thể nắm bắt tâm lý khán giả một lượng lớn khán giả người Việt rất tốt.

"Mai" nhận điểm khán giả khá cao nhưng chưa có đủ dữ liệu để tổng hợp từ giới phê bình. (Ảnh chụp màn hình)

Trên trang phim Rotten Tomatoes, tác giả Panos Kotzathanasis của Asian Movie Pulse (asianmoviepulse.com) chấm phim 7,5/10. Dù khen phim ở diễn xuất các diễn viên, kỹ thuật quay phim… Panos cũng cho rằng vẫn cho rằng phim gây tranh cãi vì đã đẩy kích tính đi quá xa, đến nỗi khán giả nghĩ rằng đạo diễn và biên kịch đã “đứt phanh” trong lúc làm kịch bản.

Song ở mặt khác, cây bút này đánh giá Trấn Thành và Bình Bồng Bột (biên kịch) đều là những “bậc thầy” phim thương mại, khi biến hóa thành công những thiếu sót này thành giác thú vị và lôi cuốn khi xem.

Hiện nay, những phản hồi của giới phê bình quốc tế về Mai chưa có nhiều. Tính đến ngày 4/4, phim nhận 2 bài bình luận từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes và khoảng 400 lượt chấm điểm (chấm sao), 8 phản hồi từ nền tảng IMDb.

Theo biên kịch Kay Nguyễn, những phim tâm lý xã hội, thể loại hài-chính kịch như "Mai"… thường mang đậm các đặc thù của một nền văn hóa, vì vậy mức độ “cảm được” thường chỉ tính theo các vùng lân cận, có nhiều nét tương đồng về văn hóa-xã hội...

Ngược lại những bộ phim như hành động, tranh đấu, báo oán, hình sự điều tra… lại dễ đi xa hơn nhờ chất kịch tính, khai thác các góc độ cảm xúc dễ đồng cảm hơn. Chị lấy ví dụ series “The Glory” (Vinh quang trong thù hận) với đề tài báo thù của Hàn Quốc. Được công chiếu rộng rãi trên Netflix, vào thời điểm đạt đỉnh, phim đã ở lỳ “top 10” trong suốt hơn 10 tuần tại hơn 91 quốc gia.

Khi phim làm đủ tốt thì rào cản giữa các thể loại sẽ mờ dần. Chẳng hạn “Parasite” (Ký sinh trùng) vừa khai thác tốt yếu tố kịch tính, vừa kể rất thành công về mâu thuẫn về giai cấp, khoảng cách giàu nghèo gây nhức nhối ở nhiều nền văn hóa và đất nước khác nhau.

Làm gì để phim Việt ra "biển lớn?"

Thời gian qua, điện ảnh Việt Nam được nhắc tên trên báo chí, các trang tin quốc tế thường xuyên hơn, như Variety đưa tin về “Kẻ ăn hồn” (The Soul Reaper) được phát hành quốc tế, Deadline đưa tin về hiện tượng doanh thu đột biến của “Mai”... Trong một bài báo về phim “Quật mộ trùng ma” (Exhuma, Hàn Quốc) gây sốt doanh số ở nhiều nước châu Á tháng Ba vừa qua (trong đó có Việt Nam, Indonesia…), trang tin này lại chọn đưa đất nước hình chữ S lên tít bài như một cách gây chú ý đặc biệt.

Phải chăng, thị trường điện ảnh Việt đã lọt vào “mắt xanh” của báo chí, các trang tin Anh ngữ nước ngoài? Câu trả lời của Nguyên Lê - một cây bút điện ảnh quốc tế, nổi bật tại Việt Nam thời gian gần đây - là “Có và không.”

Anh nhận định sự xuất hiện của Việt Nam trên thế giới có tăng một chút so với xưa, do có các đơn vị chủ động đưa phim trong nước ra thị trường quốc tế. Tuy vậy điện ảnh Việt Nam chưa thực sự có mặt trên bản đồ thế giới “do hầu hết khâu sản xuất, truyền thông và ‘cuộc sống sau màn ảnh lớn’ của các phim chưa được tính toán cho việc ra khỏi địa phương.”

Bên cạnh các chiến lược truyền thông, chất lượng phim (chứ không phải các hiện tượng đột biến) mới là yếu tố quan trọng giúp phim tiến xa. “Hiện tượng giúp tác phẩm có nhiều bài, nhưng chất lượng mới giúp tác phẩm có nhiều 'kiếp.' Qua chất lượng, phim mới thể hiện được bề dày văn hóa, tư duy sáng tạo và ý niệm để tác phẩm tồn tại bền lâu,” cây bút này nhận định.

Từ góc độ của người đưa phim Việt ra thế giới, ông Thiên A. Phạm - Nhà sáng lập 3388 Films (đơn vị phân phối "Mai" ở nước ngoài) khẳng định phim ra quốc tế đều hướng đến 2 nhóm: Khán giả người Việt và không phải người Việt, dẫu xác định tiếp cận khán giả quốc tế sẽ khó hơn.

“Khán giả người Việt dù sao cũng dễ tiếp nhận phim Việt hơn. Khán giả không phải người Việt thì dĩ nhiên sẽ kén chọn. Việc gì cũng vậy, khi chưa biết thì khó làm quen và khi quen rồi thì dễ tiếp cận và chấp nhận. Khi lượng khán giả này có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận nhiều phim Việt chất lượng thì họ sẽ có thể thưởng thức và nhận thấy tiềm năng của phim Việt.” ông Thiên nhận xét.

Theo người đại diện 3388 Films, hiện nay khán giả quốc tế chưa có dịp tiếp cận thường xuyên với văn hóa và điện ảnh Việt Nam. Vì vậy mục tiêu của nhà phân phối này là giúp phim được đón nhận tích cực nhất từ cả hai nhóm người Việt và khán giả nước ngoài.

Trước “Mai,” 3388 Films từng gửi đi nhiều phim chiếu rạp và khá được quan tâm như “Người vợ cuối cùng” (The Last Wife) hay “LIVE” (Phát trực tiếp)… trong đó phim “LIVE” được chiếu thị trường Bắc Mỹ thông qua Liên hoan Phim Newport Beach năm 2023, được chọn vào top 5 phim Đông Nam Á hay nhất năm 2023 do Asian Movie Pulse bình chọn.

“Dĩ nhiên phim châu Á nói chung và phim Việt nói riêng vẫn cần tiếp tục phát triển và đi xa hơn nữa trong nhiều năm tới, thì mới có thể nói là vững mạnh ở thị trường nước ngoài được,” ông Thiên A. Phạm kết luận./.