'Thắt chặt tình cảm giữa Việt Nam-Hàn Quốc bằng hợp tác văn hóa'
Đại diện Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định hợp tác, giao lưu văn hóa sẽ góp phần củng cố tình cảm bền chặt giữa hai nước.
Năm 2020, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc thiết lập văn phòng tại Việt Nam với sứ mệnh tăng cường hợp tác văn hóa hai nước.
Đến Việt Nam đúng thời điểm cả nhân loại đang chống chọi với đại dịch COVID-19, song KOCCA Việt Nam đã thực hiện được nhiều dự án nghiên cứu, khảo sát, kết nối các nhân tố của ngành công nghiệp văn hóa hai nước. Hiện, KOCCA Việt Nam đang xúc tiến nhiều kế hoạch, góp phần củng cố tình cảm bền chặt giữa hai nước dựa trên nền tảng của sự tương đồng văn hóa về văn hóa.
Ông Hong Jeong Yong, Giám đốc KOCCA Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này
Hướng tới hợp tác đa phương
- Thưa ông, sau giai đoạn chống dịch COVID-19, KOCCA Việt Nam đã có những thành quả gì trong việc xúc tiến hợp tác văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc?
Ông Hong Jeong Yong: Vì dịch COVID-19 nên từ khi có mặt tại Việt Nam, chúng tôi chủ yếu tổ chức các hoạt động dưới hình thức online như kết nối doanh nghiệp, khảo sát thị trường, tổ chức cuộc thi làm phim hoạt hình…
Kể từ năm 2022, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa như tổ chức cuộc thi và biểu diễn bài hát K-Pop, Hội chợ triển lãm Hallyu và mới đây là Tuần lễ Văn hóa và Nhân vật biểu tượng quốc tế Việt Nam (tháng 9/2023) tại Bình Dương.
KOCCA Việt Nam là văn phòng trọng điểm trong chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc, có vai trò thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước thông qua việc mở rộng thị trường Hallyu tại Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu các nội dung Hallyu và các ngành công nghiệp liên quan.
Chúng tôi cung cấp thông tin và xu hướng mới nhất về thị trường Việt Nam, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp làm về nội dung của Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam.
Cá nhân tôi rất vui mừng khi giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc. Nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang rất phát triển và Chính phủ Việt Nam cũng đã có chiến lược, mục tiêu cụ thể cho ngành này. Do đó, cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn.
- KOCCA Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp Hàn Quốc, Campuchia và Việt Nam về lĩnh vực sáng tạo nội dung (ngày 30-31/10). Vì sao KOCCA Việt Nam lại hướng đến kết nối ba bên ở thời điểm này?
Ông Hong Jeong Yong: Tới đây, việc phát triển ngành nội dung sáng tạo, văn hóa Hàn Quốc không chỉ được đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam mà chúng tôi sẽ kết nối, xúc tiến hợp tác 3 bên thông qua nhiều sự kiện, chương trình.
Lý do là thị trường sáng tạo nội dung của Campuchia cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, giống như Việt Nam trong thời gian gần đây.
Campuchia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa. Chính phủ hai nước đều quan tâm đến việc hợp tác quốc tế và phát triển công nghiệp văn hóa cũng như du lịch. Thêm nữa, cả hai nước đều có chung niềm quan tâm với văn hóa Hàn Quốc. Đó là lý do chúng tôi kết nối 3 nước ở thời điểm này, mong rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những dự án hợp tác văn hóa 3 bên.
Tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm về nhiều vấn đề như bản quyền, cấp giấy phép, sản xuất phim hoạt hình, đầu tư remake phim truyền hình…
Nâng cao nhận thức về sáng tạo nội dung
- Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tập trung vào 12 ngành: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Ông thấy rằng Hàn Quốc có thể hợp tác với Việt Nam ở những lĩnh vực nào?
Ông Hong Jeong Yong: Từ trước đến nay, KOCCA Việt Nam vẫn tập trung vào mảng phim truyền hình, phim truyện, phim hoạt hình, thời trang, game và đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp sáng tạo.
['Việt Nam sẽ là làn gió mới trong ngành công nghiệp giải trí thế giới']
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai các hoạt động hướng đến một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam là nhân vật biểu tượng (character).
Nhân vật biểu tượng và các sản phẩm liên quan là lĩnh vực đang rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc… góp phần thể hiện bản sắc riêng của cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia.
Chúng tôi đã hợp tác với tỉnh Bình Dương tổ chức Tuần lễ Văn hóa và Nhân vật biểu tượng quốc tế Việt Nam. Sự kiện sẽ được tổ chức thường niên, trở thành một hoạt động văn hóa-thương mại đặc sắc của tỉnh Bình Dương. Tôi tin rằng Bình Dương sẽ là một thị trường mang tính biểu tượng cho mảng character tại Việt Nam và Đông Nam Á.
- Với kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam còn những rào cản nào để phát triển công nghiệp văn hóa?
Ông Hong Jeong Yong: Với tư cách là đại diện của KOCCA Việt Nam, tôi không gặp khó khăn gì, ngược lại còn nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu công tác tại Việt Nam, tôi nhận thấy trở ngại lớn nhất là mọi người hầu như rất mơ hồ về các khái niệm công nghiệp sáng tạo nội dung. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này là rất quan trọng.
Trọng tâm của nền công nghiệp văn hóa chính là nội dung. Đây là yếu tốt cốt lõi, là lĩnh vực có tiềm năng vô tận, ví như một "đại dương của sự sáng tạo và đổi mới."
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.