Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất các kiến nghị để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Ngày 28/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia từ năm 2021 đến nay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Xây dựng Nông thôn mới; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Trung ương và cấp tỉnh được kiện toàn, thành lập, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Các thể chế, chính sách quản lý được ban hành đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các chương trình.
Từ năm 2021-2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện ba Chương trình là hơn 83.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình thực hiện đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng hơn 16.000 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch).
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong thời gian tới.
Các địa phương phản ánh việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình khiến các địa phương không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn. Các địa phương kiến nghị Trung ương thông báo dự kiến phân bổ vốn sự nghiệp theo giai đoạn 5 năm để địa phương chủ động trong huy động nguồn vốn đối ứng và lập kế hoạch triển khai.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích sử dụng khác đòi hỏi nhiều thời gian, công sức; mức hỗ trợ nhà ở (40 triệu đồng/hộ) và xây dựng công trình cấp nước sạch (3 tỷ đồng/công trình) của Trung ương còn thấp, nhất là đối với các địa phương miền núi, các địa phương còn eo hẹp về nguồn lực; một số chỉ tiêu (nước sạch, tỷ lệ hỏa táng…) vượt quá khả năng thực hiện của địa phương.
Qua 6 chuyến khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại 4 vùng trên cả nước, thực tế cho thấy có nhiều dự án manh mún, quy trình thủ tục phức tạp trong khi năng lực, trình độ của cấp cơ sở nhiều nơi còn yếu, rất dễ dẫn đến rủi ro trong công tác cán bộ.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình.
[Đoàn giám sát về Chương trình Mục tiêu Quốc gia làm việc với bộ, ngành]
Các bộ ngành, địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tiếp tục đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương cần phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện vì thực tiễn cho thấy địa phương nào chủ động, quyết liệt hơn đều có tỉ lệ giải ngân cao hơn.
Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn Giám sát về việc thực hiện ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát các Chương trình Mục tiêu Quốc gia ngay trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng cho biết tại Kỳ họp thứ 6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 để phục vụ Đoàn Giám sát Tối cao của Quốc hội./.