Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc của bệnh viện công
Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà không dự trù trước được về danh mục, số lượng nên rất khó để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Chiều 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; cho rằng việc sửa đổi 4 luật trên để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, gắn với kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có tính chất cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh, giải phóng và huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực đột phá phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tham gia thảo luận sâu vào các nội dung của dự thảo Luật, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng quy định trong dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu về mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện công lập chưa thể tháo gỡ được ở khâu tổ chức mua sắm thuốc bán lẻ tại các cơ sở y tế công lập, vì 2 lý do.
Thứ nhất, mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào là áp giá.
Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: Xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thời gian thực hiện các bước không thể cắt ngắn được; trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác.Hiện nay cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.
Thứ hai, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây bao gồm chi phí tổ chức đấu thầu và các khoản thuế phí của cơ sở kinh doanh; tất cả sẽ được tính trên giá thành sản phẩm.
Người dân phải chịu tăng thêm chi phí này. Bên cạnh đó, nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn đến từ các nơi khác như căngtin, tạp hóa... Nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.
“Chính vì vậy, tôi đề nghị sửa Khoản 2, Điều 55 như sau: Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình,” đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị.
Chia sẻ quan điểm với đại biểu Trần Khánh Thu, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội), nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà không dự trù trước được về danh mục, số lượng nên rất khó để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Việc thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài. Điều này vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát chất lượng, giá cả và ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu."
Nhấn mạnh đấu thầu không phải phương cách duy nhất, hữu hiệu ngăn chặn tiêu cực trong mua sắm thuốc cũng như chất lượng thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện, cơ sở y tế công lập, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng nhà thuốc bệnh viện hiện vẫn tạo cảm giác yên tâm cho người bệnh cả về chất lượng và giá thuốc.
Tuy nhiên, các nhà thuốc bệnh viện đang phải chịu sự ràng buộc của rất nhiều quy định, trong đó có quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, khiến hoạt động mua sắm thuốc gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về mua sắm trực tiếp, nếu không sửa Luật thì khi xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn cần phải giải thích theo nghĩa rộng hơn về việc “tự quyết định việc mua sắm.”
Trong các hình thức đấu thầu, nhà thuốc có thể lựa chọn chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp đàm phán giá... chứ không phải chỉ đấu thầu rộng rãi.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung sửa đổi khác của Luật Đấu thầu như quy định về giải quyết các tranh chấp trong đấu thầu quốc tế, chỉ định thầu và lưu ý xem xét quy định về đấu thầu trong các dự án sử dụng vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Tham gia thảo luận về phạm vi sửa đổi Luật, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất với các luật khác, trong đó nêu lên tính đồng bộ và ổn định giữa các luật về nội dung sửa đổi, nếu không sẽ không tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện tại.
Về việc sửa đổi Luật Quy hoạch, các đại biểu đề nghị cần đồng bộ, thống nhất với các quy định về quy hoạch chuyên ngành để đảm bảo thống nhất, không xảy ra mâu thuẫn.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về sửa đổi Luật Đầu tư, trong đó có quy định thủ tục đầu tư đặc biệt, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch, chấm dứt dự án đầu tư, quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong sửa đổi Luật Đầu tư, thủ tục đầu tư trong dự án lĩnh vực công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và khu thương mại tự do.
Một số ý kiến đề cập đến quy mô đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, quy định việc chuyển tiếp sửa đổi Luật Đầu tư theo đối tác công tư; đề nghị các giải pháp bù đắp rủi ro, xử lý các tồn tại do nguyên nhân khách quan của các dự án PPP.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.