Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu lâm, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu nhận diện một cách đầy đủ, chính xác, khách quan các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội gỗ và lâm sản; Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm, thủy sản.

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo Hiệp hội gỗ và lâm sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lâm-thủy sản.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và ngành thủy sản Việt Nam luôn được quan tâm phát triển, trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD; đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành là khoảng 10 tỷ USD.

[Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 11,19 tỷ USD trong quý 1]

Ngành lâm-thủy sản đã đóng vai trò là một động lực tăng trưởng; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Năm 2023, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề cả bình diện thế giới và trong nước. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn tiếp tục gay gắt. Giá cả một số mặt hàng nguyên vật liệu, xăng dầu biến động ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất.

Nhiều nước điều chỉnh chính sách tiền tệ khiến Việt Nam phải thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, kịp thời, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; gắn với hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và lạm phát…

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực tế trên, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản; với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm-thủy sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đưa giá trị xuất khẩu lâm-thủy sản đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu nhận diện một cách đầy đủ, chính xác, khách quan các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản; kinh nghiệm và bài học của các ngành, doanh nghiệp trong ứng phó và vượt qua khó khăn, vướng mắc; các kinh nghiệm, cách làm hay cần được nhân rộng trong thời gian tới; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai cấp bách cũng như lâu dài...

Thủ tướng yêu cầu tập trung thảo luận, nêu rõ vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đạt các mục tiêu đề ra./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)