Tháo gỡ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt khó
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn.
Sáng 19/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 bước vào Phiên Chuyên đề 1: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó."
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi chủ trì điều hành Phiên Chuyên đề.
Khơi thông nguồn lực
Với tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực để nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển," Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam, có hai vấn đề lớn đặt ra.
Đó là động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân.
Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam lại chứa đựng nhiều nghịch lý. Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, "sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành."
[Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023: Tìm đáp án cho 3 câu hỏi lớn]
Năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” (khoảng 124.700 doanh nghiệp) so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” (gần 149.400 doanh nghiệp) chiếm gần 84%, trong khi năm 2022 là 68,7%.
Bên cạnh đó, nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước nhưng so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn còn chậm. Hiện mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ. Ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%...
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng từ thực tế của hai loại nguồn lực quan trọng nhất là vốn và doanh nghiệp phản ánh dấu hiệu "bất thường" của nền kinh tế hiện nay. Tình trạng ách tắc lưu thông là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới cơ thể kinh tế bị suy yếu, tổn thương và bất ổn. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam còn một số nghịch lý khác như tăng trưởng GDP cao-lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao…
Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tiễn đổi mới, phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam để lại nhiều bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối. Tiêu biểu, đó là bài học kinh nghiệm về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; phát triển năng lượng tái tạo; sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính-ngân hàng.
Do đó, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng cần định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường nhất nguyên, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực-ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt theo hướng khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường, không xin-cho, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt thị trường đất đai, tài chính tiền tệ; đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật để không làm tổn thương kinh tế thị trường và hệ thống quản trị điều hành; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Thu hút vốn để tạo đủ việc làm
Trình bày tham luận “Tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam,” ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến một số rào cản, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai); chi phí sản xuất kinh doanh; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật; hạn chế trong phát triển của các doanh nghiệp sản xuất nội địa; bất lợi của doanh nghiệp tư nhân trong nước…
Cụ thể, theo ông Đậu Anh Tuấn, chất lượng hạ tầng là thách thức lớn và lâu dài mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Theo báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh PCI của VCCI, khi phân tích trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh Việt Nam đã cho thấy cơ sở hạ tầng chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong so sánh với các quốc gia khác, dù ghi nhận những cải thiện đáng kể trong các năm gần đây. Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua.
Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ 34,8% lên 40,7% và 46,9%, lần lượt của các năm 2019, 2020 và 2021. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn.
Một mặt, do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với doanh nghiệp có nhu cầu đi vay. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đối diện những rào cản về quy trình, thủ tục khi vay vốn (không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà…). Trong khi đó, chất lượng lao động, tiếp cận đất đai cũng là một trong những thách thức khác mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Chi phí sản xuất kinh doanh cao cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, giảm khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm mới.
Các chi phí cao khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng phải cắt giảm lao động cũng tăng lên. Do đó, việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.
Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư là chất lượng các quy định pháp luật. Do đó, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện.
Các doanh nghiệp đề nghị cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, nhất là các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới; bãi bỏ dần quy định về thời hạn của các loại giấy phép con…
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết so với doanh nghiệp nước khác, các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả trong khi lại chịu rào cản để có thể tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng cần phải có các mức ưu đãi khác nhau đối với loại sản phẩm khác nhau…
Bối cảnh toàn cầu hiện nay cho thấy sự phát triển của kinh tế số, công nghiệp nội dung trên internet. Việt Nam có cơ hội tốt để có thể cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế số, do đây là lĩnh vực không cần quá nhiều vốn, chu kỳ đầu tư ngắn, phù hợp với nền kinh tế Việt Nam khi nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam có số lượng và chất lượng tốt.
Hiện Việt Nam đã bắt đầu xây dựng rất nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng như quy định quản lý mạng xã hội, game online, phim, trang thông tin điện tử, thương mại điện tử… Đây là các quy định cần thiết để chống tin giả, thông tin xấu độc, bạo lực trên internet.
Tuy nhiên, khi thực thi các quy định này, các cơ quan Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ triệt để, trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng quy định này. Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các doanh nghiệp trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức.
“Trong ngắn hạn cần đưa ra quy định theo hướng nới lỏng nghĩa vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như loại trừ các doanh nghiệp trong nước khi phải áp dụng các quy định mới hoặc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, miễn trừ nghĩa vụ cho các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt. Về dài hạn cần nghiên cứu quy định về xử phạt doanh nghiệp tại nước ngoài, hiệu lực ngoài lãnh thổ của pháp luật hành chính," ông Đậu Anh Tuấn nói./.