Thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Macedonia trong 30 năm qua
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Bắc Macedonia Đỗ Hoàng Long đã chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bắc Macedonia (10/6/1994-10/6/2024), Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Bắc Macedonia Đỗ Hoàng Long đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại châu Âu về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Đại sứ đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Macedonia trong 30 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 10/6/1994, Việt Nam và Bắc Macedonia luôn duy trì và củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau.
Về chính trị, do một số điều kiện khách quan, hai nước chưa tiến hành trao đổi đoàn cấp cao; tuy nhiên cũng đã nhiều lần trao đổi đoàn ở các cấp như Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Ngoại giao; trong đó gần đây nhất là chuyến thăm của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới Bắc Macedonia vào năm 2018.
Hai nước có truyền thống hợp tác tốt, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như tại Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)…
Bắc Macedonia ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cả 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; hai nước cũng đã ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Về kinh tế, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Kim ngạch thương mại song phương trực tiếp và gián tiếp (thông qua nước thứ 3 để xuất nhập khẩu hàng hóa vào mỗi nước) hàng năm chỉ đạt khoảng 8-12 triệu USD, chủ yếu là nông sản.
Việc hai nước ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác kinh tế đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo 2 nước nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và nâng cao kim ngạch thương mại.
Về các lĩnh vực khác, Việt Nam và Bắc Macedonia đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, phát huy vai trò của quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ lập pháp và giám sát tối cao, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà 2 nước đã ký kết.
Về giáo dục, Việt Nam thuộc nước ưu tiên nhận học bổng từ Bắc Macedonia. Thời gian qua, 2 nước đã thúc đẩy việc trao đổi học bổng, tạo điều kiện tiếp nhận học sinh, sinh viên học tập và nghiên cứu tại các trường đại học của nhau.
Hai nước thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước; ngoài ra cũng đang nghiên cứu khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác về văn hóa và du lịch theo giai đoạn nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.
- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Việt Nam và Bắc Macedonia có nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế và tại các diễn đàn đa phương.
Về hợp tác song phương, quan hệ chính trị tốt đẹp giữa 2 nước là nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hợp tác và tin cậy trên mọi lĩnh vực.
Việt Nam và Bắc Macedonia đều nằm trong khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường kết nối, giao thương.
Trong trao đổi, tiếp xúc các cấp, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng làm cầu nối giúp Bắc Macedonia tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đổi lại, Bắc Macedonia cũng sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường Balkan.
Hai nước cũng cần tận dụng hiệu quả các hiệp định kinh tế để tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại và đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng mà 2 nước có thế mạnh như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và dệt may.
Bên cạnh đó, 2 nước có truyền thống và bề dày về văn hóa lịch sử, còn nhiều dư địa để thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch.
Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác mà Bắc Macedonia đang chú trọng phát triển như giáo dục-đào tạo, y tế và khoa học công nghệ cũng rất phù hợp với quan tâm và nhu cầu của Việt Nam, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.
Về hợp tác đa phương, hai bên có truyền thống hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, ủng hộ lẫn nhau vào các vị trí quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và Xã hội.
Qua tiếp xúc các cấp, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế của Bắc Macedonia, trong đó có lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Bắc Macedonia cũng đã nhiều lần khẳng định ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đây là những tiền đề quan trọng góp phần tích cực để 2 nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tại các diễn đàn đa phương, góp phần vào những nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Trong năm nay, hai bên đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại 2 nước?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Năm nay, ngày kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Bắc Macedonia thiết lập quan hệ ngoại giao (10/6) diễn ra vào đúng thời điểm Bắc Macedonia đang tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng là bầu cử tổng thống, quốc hội và tiến tới thành lập nội các. Do điều kiện khách quan trên, 2 nước đã thống nhất lùi lại việc tổ chức lễ kỷ niệm.
Tuy nhiên, nhân dịp này vẫn sẽ triển khai một số hoạt động hợp tác quan trọng và có ý nghĩa, trong đó có việc 2 nước sẽ trao đổi điện mừng của lãnh đạo cấp cao vào ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (10/6).
Về phía Đại sứ quán, trong tháng 6/2024 dự kiến sẽ có chuyến công tác đến Bắc Macedonia để tiến hành một số hoạt động tiếp xúc song phương nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, trong đó có cuộc hội kiến với Tổng thống Gordana Siljanovska-Davkova và các cuộc làm việc với các lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Bắc Macedonia.
Hai bên cũng đã sơ bộ nhất trí trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay sẽ cùng phối hợp để tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng tại thủ đô Skopje và đồng chủ trì buổi tọa đàm kinh tế để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, nhân dịp này, Đại sứ quán cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa của Bắc Macedonia thúc đẩy tổ chức một số sự kiện giao lưu văn hóa như triển lãm ảnh, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ ẩm thực nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, qua đó giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
- Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Để tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước trong thời gian tới, Việt Nam và Bắc Macedonia cần tiếp tục củng cố và phát huy những kết quả tích cực và quan trọng đã đạt được trong thời gian qua. Có một số định hướng hợp tác chính.
Thứ nhất, về chính trị, 2 nước cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Việc trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hợp tác, tạo cơ hội cho các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp hai nước kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Thứ hai, về kinh tế, Việt Nam và Bắc Macedonia cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau.
Bên cạnh đó, 2 nước cũng cần quan tâm, chú trọng tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại.
Thứ ba, về hợp tác trên các lĩnh vực khác, 2 nước cần sớm thúc đẩy thành lập cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, tăng cường trao đổi đoàn các bộ, ngành; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, y tế, khoa học-công nghệ; tiến tới ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực này.
Cuối cùng, về hợp tác đa phương, 2 nước cần tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực; ủng hộ các vị trí ứng cử của nhau vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc; tiếp tục duy trì phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
- Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Bắc Macedonia trong năm 2024, cũng như những năm tiếp theo?
Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Trên cơ sở định hướng hợp tác song phương nêu trên, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam và Bắc Macedonia sẽ tập trung thúc đẩy một số trọng tâm hợp tác chính như: Trao đổi đoàn cấp cao sau khi bạn thành lập và vận hành ổn định chính phủ; Thành lập cơ chế Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác Việt Nam-Bắc Macedonia như đã được lãnh đạo cấp cao 2 nước thống nhất.
Tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại để thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các doanh nghiệp, giữa 2 Phòng Thương mại-Công nghiệp.
Xem xét ký kết một số hiệp định hợp tác song phương, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch và khoa học công nghệ.
Về hợp tác đa phương, Việt Nam cần tranh thủ lá phiếu ủng hộ của Bắc Macedonia đối với ứng cử của Việt Nam vào một số vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc trong thời gian tới, trong đó có Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Có thể nói Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bắc Macedonia và đến nay 2 nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực qua chặng đường 30 năm thiết lập và phát triển quan hệ.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều dư địa thuận lợi để 2 nước tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.