Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tạo điều kiện nâng cao vai trò, vị trí đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực quốc tế để xây dựng thành phố xứng tầm là một trong những trung tâm lớn.

Thành phố Huế với dòng sông Hương thơ mộng chảy qua và hệ thống cây xanh bao phủ góp phần tôn tạo cho cảnh quan di tích thêm phần hoành tráng nhưng mềm mại và gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sáng 30/11, tại Thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ rất cao, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử của vùng đất Cố đô, mở ra một trang phát triển mới của địa phương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Cũng như nhiều người dân khác, ông Nguyễn Anh Quân, ở phường Phú Nhuận đã thức dậy từ sáng sớm để cập nhật tin tức mới nhất về kết quả biểu quyết của Quốc hội và rất xúc động khi mong muốn và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền địa phương bao năm nay giờ đã trở thành hiện thực, thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ sáu của Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Đức Long, ở phường Phước Vĩnh bên cạnh niềm vui mừng trước sự phát triển đi lên của quê hương cũng kỳ vọng, thành phố mới sẽ sớm sắp xếp, ổn định bộ máy hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị. Thành phố Huế cần phát huy tốt hơn nữa việc bảo tồn di sản truyền thống, gìn giữ và làm tỏa sáng một cố đô cổ kính của dân tộc, chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh.

Đồng thời, thành phố mới cũng cần chuyển động mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển về kinh tế, xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thành phố mới sẽ có 2 quận, 3 thị xã, và 4 huyện. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành phố sẽ triển khai nghiên cứu, đề xuất tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị loại I cấp quốc gia.

Trong dòng chảy lịch sử của đất nước, thành phố Huế trực thuộc Trung ương (tỉnh Thừa Thiên-Huế) luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng, với vị trí nằm ở trung độ của cả nước; là nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam. Vùng đất này từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1801) và cũng là nơi đóng đô của triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802-1945).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thành phố Huế là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam, là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh và là thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế có uy tín như: mạng lưới các đô thị châu Á, tổ chức các thành phố di sản thế giới, liên minh các thành phố lịch sử...

Hiện nay, thành phố Huế còn được biết đến với các danh hiệu như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam,” “Thành phố văn hóa ASEAN,” “Thành phố bền vững môi trường ASEAN,” “Thành phố du lịch sạch ASEAN,” “Thành phố Xanh quốc gia.”

Theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.”

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước, đời sống sinh hoạt của người dân, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường... Cơ cấu nền kinh tế của thành phố sẽ tác động tích cực, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ-du lịch.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tạo điều kiện nâng cao vai trò, vị trí đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực quốc tế để xây dựng thành phố xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; khoa học và công nghệ; trung tâm y tế chuyên sâu.

Điều quan trọng, đối tượng thụ hưởng đầu tiên khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương chính là người dân, bởi thành phố mới sẽ được quy hoạch đồng bộ, hướng đến môi trường đô thị hiện đại, văn minh, tiện ích và một thành phố hạnh phúc, đáng sống./.