Thành phố Hồ Chí Minh-Xứ Basque đẩy mạnh hợp tác thương mại
Theo Giám đốc Đại diện Trung tâm Thương mại và Đầu tư xứ Basque, đối với doanh nghiệp xứ Basque, Việt Nam được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng, một điểm đến lý tưởng cho đầu tư và kinh doanh.
Ngày 8/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Thương mại và Đầu tư xứ Basque (Tây Ban Nha) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với doanh nghiệp xứ Basque chuyên ngành máy móc thiết bị công nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng quan hệ thương mại trong lĩnh vực cơ khí, thiết bị máy móc, tự động hóa và nhiều ngành công nghiệp khác.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết, những năm gần đây, trước những biến động của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, mở rộng tìm kiếm các thị trường mới.
Trong số đó, xứ Basque là một vùng đất mới và đầy tiềm năng với nhiều điểm mạnh về công nghệ. Dù còn mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, xứ Basque được xếp vào nhóm các khu vực sáng tạo hàng đầu châu Âu nhờ hệ sinh thái kinh tế năng động.
Theo bà Hồ Thị Quyên, với vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới.
Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt 33,82 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học-công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị kết nối giao thương lần này tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: dầu khí, năng lượng, khai khoáng, máy móc nông nghiệp, đường sắt và các ngành công nghiệp khác.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và xứ Basque cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường, tìm kiếm đối tác và mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương trong thời gian tới.
Ông Pablo Huidobro, Giám đốc Đại diện Trung tâm Thương mại và Đầu tư xứ Basque tại Singapore thông tin: Xứ Basque có dân số 2,22 triệu người, là một trong những vùng kinh tế lớn mạnh với GDP bình quân đầu người cao thứ hai của Tây Ban Nha.
Thế mạnh của xứ Basque là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như xe cơ giới, sắt và thép và máy móc công nghiệp. Các doanh nghiệp xứ Basque đóng góp khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu máy móc công nghiệp, 31% kim ngạch xuất khẩu sắt thép, 44% kim ngạch xuất khẩu lốp xe và săm xe của Tây Ban Nha.
Ngoài các ngành công nghiệp truyền thống, xứ Basque cũng phát triển mạnh các lĩnh vực năng lượng, tự động hoá, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; đồng thời, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hệ thống các trường, viện nghiên cứu.
Theo ông Pablo Huidobro, đối với doanh nghiệp xứ Basque, Việt Nam được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng, một điểm đến lý tưởng cho đầu tư và kinh doanh.
Đã có một số công ty xứ Basque như Ormazabal, Salto Systems, Sammic, Ategi, Iberdrola... mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, chứng tỏ sự quan tâm ngày càng lớn đối với môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Cùng với lợi thế kinh tế bổ sung cho nhau việc tăng cường kết nối gao thương sẽ tạo ra bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa hai bên./.