Thành phố Hồ Chí Minh: Tỷ lệ học sinh học nghề sau bậc trung học cơ sở còn thấp
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc đầu tư và đào tạo nghề cho học sinh các trường nghề rất quan trọng.
Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đã diễn ra ngày 19/9.
Các đại biểu nhận định, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần cung ứng nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tâm lý chưa coi trọng việc học nghề trong xã hội đã khiến tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở chọn học nghề còn thấp. Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền hướng nghiệp, các trường nghề cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút, hấp dẫn người học.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc đầu tư và đào tạo nghề cho học sinh các trường nghề rất quan trọng.
Đây là nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường lao động của Thành phố. Hai ngành Giáo dục và Lao động phối hợp thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trước hết cần tập trung làm tốt việc tuyên truyền hướng nghiệp cho cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
Ngành Giáo dục cần tạo điều kiện cho các trường nghề tiếp cận và tham gia bình đẳng trong chương trình hướng nghiệp, tuyển sinh ở trường phổ thông...
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy mô tuyển sinh năm 2023 là khoảng 216.000 người, đạt gần 70% chỉ tiêu.
Theo báo cáo kết quả công tác tuyển sinh hằng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp là khoảng 26%.
Kết quả này còn thấp so với mục tiêu thực hiện đề án phân luồng học sinh đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp.
Có nhiều khó khăn đặt ra đối với việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề. Trong khi nhận thức xã hội còn chưa đầy đủ về học nghề thì ở các trường phổ thông lại thiếu đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp.
Ngoài ra, việc tư vấn chung chung, chưa phân tích sâu nhu cầu, sở thích và năng lực cá nhân của học sinh dẫn đến khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chất lượng giáo dục và cơ hội việc làm khi học trường nghề cũng là vấn đề phụ huynh còn băn khoăn khi tìm hiểu, chọn cho con học nghề.
Tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở chọn học nghề thấp còn do quan điểm học nghề chỉ dành cho học sinh không đủ khả năng theo học chương trình phổ thông.
Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục, trường đã chủ động rà soát, điều chỉnh, thẩm định để chuẩn hóa chương trình đào tạo theo định hướng đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp cũng như tính liên thông và quốc tế hóa.
Chất lượng đào tạo được nâng lên, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm cao (từ 96 - 100%) đã giúp hoạt động tuyển sinh của trường đạt kết quả tốt. K
hông những tăng số lượng tuyển sinh vào học hệ 9+ (chương trình dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở) qua các năm mà số học sinh khá, giỏi đầu vào của trường cũng tăng. Năm học 2024 - 2025, có 40% trong số hơn 350 học sinh vào hệ 9+ của trường đạt học lực khá, giỏi.
Nhiều năm trực tiếp làm công tác hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động tư vấn học đường về hướng nghiệp cần trở thành chương trình chính khóa ở trường phổ thông, có đội ngũ giáo viên chuyên trách và kinh phí cho hoạt động này.
Hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp cần đa dạng hơn, tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau; đưa học sinh đi thực tế tham quan các đơn vị sản xuất, công ty để tìm hiểu ngành nghề yêu thích...
"Để công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả cần có một hệ thống thông tin về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, dự báo nguồn nhân lực của các ngành nghề ở hiện tại và tương lai một cách thống nhất, đầy đủ," Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Dịp này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế ở Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.