Thành phố Hồ Chí Minh tiệm cận mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS​

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 9/2024, Thành phố có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý.

Tình nguyện viên tuyên truyền kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho học sinh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Trong những năm qua, với nhiều mô hình, giải pháp phát hiện sớm, chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV, Thành phố Hồ Chí Minh đã dần tiệm cận mục tiêu 95-95-95, trở thành một trong những điểm sáng trong phòng, chống HIV/AIDS của cả nước.

Thông tin được đưa ra tại Lễ míttinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Phát biểu tại Lễ míttinh, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 9/2024, Thành phố có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng virus HIV.

100% quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn đều báo cáo có người nhiễm HIV. Đến nay, HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm và tập trung trên nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Theo kết quả Giám sát trọng điểm HIV định kỳ hằng năm, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%, nhóm phụ nữ mại dâm là 3% và nhóm nghiện chích ma túy ở mức trên 11%.

Theo số liệu thống kê từ chương trình giám sát phát hiện HIV, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu.

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đảm bảo đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt đẩy mạnh và đa dạng hóa các nguồn lực từ các tổ chức xã hội, cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động định hướng chuyển đổi các biện pháp can thiệp hướng đến duy trì bền vững như tăng cường cung cấp dịch vụ liên quan HIV thông qua Bảo hiểm y tế, xây dựng các danh mục định mức kỹ thuật tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội hóa…

Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều mô hình can thiệp hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trên phạm vi toàn thành phố. Từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2024, Thành phố đã duy trì và triển khai mô hình phòng khám thân thiện và toàn diện (OSS) tại 11 đơn vị (trong đó có 6 đơn vị tư nhân) nhằm tăng tính dễ tiếp cận, kết nối khách hàng đích với dịch vụ toàn diện từ dự phòng đến chăm sóc điều trị HIV/AIDS như: can thiệp giảm tác hại; xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); điều trị ARV, dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP); các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tâm thần… và kết nối chuyển gửi đến các cơ sở dịch vụ y tế liên quan, chăm sóc khách hàng.

Từ năm 2022 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đi đầu thực hiện mô hình chăm sóc điều trị toàn diện “Lấy con người làm trung tâm.” Ngoài điều trị ARV, các chương trình khác như: Sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm đi kèm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; sàng lọc ung thư cổ tử cung; sàng lọc sức khỏe tâm thần, HIV tiến triển, chăm sóc chuyên biệt sức khỏe trẻ vị thành niên... Các hoạt động này nhằm chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho bệnh nhân HIV cũng như hỗ trợ việc điều trị ARV hiệu quả hơn.

Với việc đặt ra mục tiêu 95-95-95 (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ, 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục, 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) vào năm 2025, tính đến cuối tháng 9/2024, Thành phố đã đạt 93,5-92,8-98.

“Chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, chúng tôi kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng”, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh./.