Thành phố Hồ Chí Minh: Thu phí cảng biển đạt gần 3.800 tỷ đồng

Nguồn thu phí cảng biển được sử dụng để tái đầu tư hạ tầng kết nối cảng, nên ngành giao thông Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên công trình cấp bách, nhất là dự án đầu tư công xung quanh các cảng biển.

Sở Giao thông Vận tải và Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ký kết quy chế phối hợp thu phí cảng biển. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Từ khi triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển), Thành phố Hồ Chí Minh đã thu được gần 3.800 tỷ đồng, đều qua hệ thống tự động.

Thành phố sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các dự án giao thông kết nối cảng biển. Nội dung này được nêu ra tại Hội nghị sơ kết việc thu phí cảng biển trên địa bàn thành phố, do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/12.

Sau nhiều lần thay đổi thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 1/4/2022, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn. Mức thu phí thấp nhất là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container và cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu. (Ảnh: Tiến Lực/ TTXVN)

Kết quả thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/4/2022 đến ngày 15/12/2023 là 3.797 tỷ đồng; trong đó, năm 2023 thu được khoảng 1.935 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi ngày thành phố thu 6-7 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển qua hệ thống tự động. Các đơn vị không đầu tư mà thuê hệ thống công nghệ thông tin.

Ngoài 1,3% được trích chi cho hoạt động thu phí và thuê hệ thống công nghệ, toàn bộ nguồn thu đều được nộp về ngân sách.

Việc triển khai thu phí được Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ứng dụng công nghệ thông tin, thu phí qua hệ thống ngân hàng, không thu tiền mặt, không phải tổ chức bộ máy cồng kềnh. Hoạt động thu phí ổn định, không xáo trộn hay ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp tại các kho, bãi, cảng.

Theo ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Giao thông Đường thủy (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), hệ thống thu phí đã có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, số lượng tờ khai phát sinh trên 4 triệu tờ khai.

Hệ thống thu phí này là hệ thống tự động 24/7 đầu tiên của cả nước. Đây là bước đột phá và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân; thúc đẩy cải cách hành chính, tăng độ chính xác, kịp thời và công khai, minh bạch.

Trong điều kiện ngân sách thành phố còn khó khăn, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển rất ý nghĩa để góp phần bổ sung giải quyết nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở đề án thu phí, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã thông qua danh mục các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển, gồm 27 công trình được sử dụng từ nguồn thu phí.

Nhóm các dự án đã được bố trí Kế hoạch Đầu tư Công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố có 15 dự án, tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 24.000 tỷ đồng; trong đó, 6 dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và 9 dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Các dự án trọng điểm nổi bật như Xây dựng, mở rộng Vành đai 2; mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; xây dựng nút giao An Phú; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy); hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ; duy tu nạo vét sông Soài Rạp…

Theo ông Trần Quang Lâm, hiện thành phố đang cân đối vốn, triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng khu vực cảng biển như Vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng; nút giao Mỹ Thủy khu vực cảng Cát Lái, đường liên cảng… Có thể nói, nguồn lực mà thành phố dành cho các dự án khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) là rất lớn.

Trong số đó, dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành đầu năm 2025; đến năm 2026 thông xe Vành đai 2; đồng thời kết hợp đường liên cảng được xây dựng thì cửa ngõ phía Đông sẽ thông thoáng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng, chi phí logictics sẽ giảm và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Lâm cho biết.

Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường mới dài 6km nối cảng Cát Lái-Phú Hữu qua Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Vành đai 3. Dự án này ước tính tổng vốn 8.000 tỷ đồng, cũng dự định dùng nguồn thu phí cảng biển để đầu tư.

Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng toàn bộ việc thu phí hạ tầng cảng biển đều thực hiện qua hệ thống tự động 24/7. Do đó, các đơn vị cần chú trọng, quan tâm cập nhật nâng cấp hệ thống này để việc triển khai thu phí thuận lợi nhất, không làm ảnh hưởng, “làm phiền” doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng phải công khai, minh bạch trong sử dụng kinh phí thu được.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nguồn thu phí cảng biển đã xác định rõ sẽ sử dụng để tái đầu tư hạ tầng kết nối cảng, nên ngành giao thông thành phố cần ưu tiên công trình cấp bách, nhất là dự án đầu tư công xung quanh các cảng biển.

Điều này nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa hệ thống cảng biển, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là vận chuyển./.