Thành phố Hồ Chí Minh sớm tăng tốc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới

Bước sang năm 2025,  Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Những kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2024 đã tạo đà cho Thành phố Hồ Chí Minh tự tin đặt ra những mục tiêu phát triển đột phá hơn nữa trong năm 2025 - năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Đặc biệt là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) sẽ diễn ra trọng thể tại Thành phố - qua đó hướng tới chủ động tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

"Chương mới" trong hành trình phát triển giao thông đô thị

Những ngày cuối năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục đón nhận các tin vui khi lần đầu tiên thu ngân sách của Thành phố vượt mức trên 508.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên chính thức đi vào khai thác thương mại sau gần 20 năm triển khai, xây dựng. Cùng với đó, theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố, kinh tế tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá.

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 7,17%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Đối với dấu ấn tuyến metro số 1, chỉ sau 9 ngày đưa vào vận hành thương mại đã vận chuyển gần 1 triệu lượt hành khách, vượt mức công suất dự kiến phục vụ.

Qua đó cho thấy người dân Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng chờ đón và cảm nhận được một "chương mới" trong hành trình phát triển giao thông đô thị, hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Người dân và du khách hào hứng chờ tới lượt lên tàu metro Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Song song đó, tình hình chính trị-xã hội Thành phố ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; không để xảy ra các vụ việc phức tạp, bất ngờ, điểm nóng.

Hoạt động đối ngoại của Thành phố tiếp tục được triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, tập trung xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển bền vững; thu hút nguồn lực quốc tế cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; mối quan hệ giữa các tổ chức và khối đại đoàn kết toàn dân giữ vững; niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được củng cố, tăng cường.

Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1 không chỉ là công trình giao thông đô thị hiện đại mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn mình, hội nhập, phát triển bền vững của thành phố mang tên Bác. Nơi đây sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng tuyến giao thông công cộng), nhằm xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai - là biểu tượng của sự đổi mới, kết nối và văn minh đô thị.

Nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của kinh tế

Bước sang năm 2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đồng thời, cũng đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực; tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm những hạn chế, vướng mắc, tồn đọng, vừa ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2025 là: “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của Thành phố.”

Xe chở container hàng hóa hoạt động tại Tân Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm 2025, Thành phố đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%.

“Đây là chỉ tiêu cao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố phải nỗ lực lớn, quyết tâm nhiều hơn nữa mới thực hiện được,” ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định năm 2025, diễn biến bất lợi của chính trị thế giới sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư... của nước ta.

Nhu cầu thế giới thay đổi theo hướng "tiêu dùng xanh" tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ... để tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Học Hòa cho rằng với nền tảng tăng trưởng khá của năm 2024, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong năm 2025 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ đã được ban hành sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế.

Các động lực về đầu tư bao gồm cả đầu tư tư nhân, vốn đầu từ nước ngoài, đầu tư công, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được chính quyền tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản... Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác tạo nguồn lực cho nền kinh tế tăng trưởng.

Xác định sứ mệnh, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của mình là cùng đất nước, dân tộc vươn mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới, Thành phố Hồ Chí Minh xác định phải "nằm trong đội hình chính" và đá “tiền đạo.”

Cùng với đó, Thành phố cũng đặt mình trong bối cảnh chung phát triển của khu vực Đông Nam Bộ, trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cầu Sài Gòn và Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả, hiệu lực Nghị quyết số 98-2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Đồng thời huy động, sử dụng và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển; nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của kinh tế Thành phố, nhất là phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế số, tạo môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp...

Thành phố xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

“Thành phố tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 2 con số, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm, với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu quả hành chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và tạo đà cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo./.