Thành phố Hồ Chí Minh: Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Có những thời điểm Bệnh viện Thành phố Thủ Đức không có thuốc gây tê tủy sống, buộc các sản phụ sinh mổ phải chuyển qua gây mê, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị.
Chiều 8/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã làm việc với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về công tác khám chữa bệnh và tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế.
Tại đây, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện đã được báo cáo.
Tại buổi làm việc, Tiến sỹ, bác sỹ Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, dù chỉ là bệnh viện tuyến quận/huyện nhưng trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngoại trú rất đông, khoảng 4.500 lượt.
Vấn đề cung ứng thuốc, vật tư y tế cơ bản đảm bảo hoạt động nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng đứt gãy. Ngoài ra, bệnh viện có công nợ nhiều nên một số thuốc độc quyền các doanh nghiệp dược không tham gia thầu hoặc tham gia nhưng do thiếu nợ nên cung ứng nhỏ giọt.
Có những thời điểm Bệnh viện Thành phố Thủ Đức không có thuốc gây tê tủy sống, buộc các sản phụ sinh mổ phải chuyển qua gây mê, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị.
Bên cạnh đó, một số vật tư đấu thầu, trúng thầu nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Bác sỹ Thanh đưa ví dụ, có doanh nghiệp cung ứng kim khâu, chỉ tan dùng cho khâu tầng sinh môn nhưng kim rất cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày đã đứt khiến vết thương của người bệnh chưa kịp lành...
Không chỉ bệnh viện tuyến dưới, các bệnh viện tuyến trên cũng cùng chung cảnh đứt đoạn thuốc, vật tư y tế trong một vài thời điểm.
Tiến sỹ, dược sỹ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện số lượng bệnh nhân đã tăng 11-12% so với trước đây nên bệnh viện gặp khó khăn trong đảm bảo cung ứng thuốc và các vật tư y tế.
Ở một số mặt bệnh, bệnh viện đã dự trù vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân trong vòng 3 tháng, nhưng do nhu cầu tăng cao, nguồn vật tư hết sớm hơn dự tính, gây ra nhiều bất lợi cho cả bệnh viện và người bệnh.
Việc thiếu hụt thuốc, vật tư y tế xảy ra vào từng thời điểm và bệnh viện cũng cố gắng khắc phục và hiện vẫn đảm bảo đủ nguồn lực tiêu hao để phục vụ điều trị lâu dài cho người bệnh.
Dược sỹ Bình cho biết thêm, đơn vị đang xây dựng 5 gói thầu theo các quy định mới. Dù chưa gặp nhiều vướng mắc, nhưng do thực tế có nhiều biến động, nên Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất Bộ Y tế có thêm hướng dẫn để các bệnh viện có sự điều chỉnh phù hợp.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện thừa nhận thời gian qua rất nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được thực hiện phẫu thuật, thay khớp háng, khớp gối… vì thiếu vật tư y tế.
Tuy nhiên, sau khi đấu thầu tập trung, mượn hoặc chuyển bệnh nhân đi nơi khác, tình hình thuốc và vật tư tại bệnh viện đã tương đối ổn định.
Trước mắt, một số bệnh nhân được điều chuyển sang Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A, hay Bệnh viện Nguyễn Trãi nhằm giảm tải cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Trong tháng Tám, Bệnh viện sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi các gói vật tư còn thiếu và tình trạng thiếu cục bộ sẽ sớm được giải quyết.
Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tình trạng quá tải người bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra do các nguyên nhân như tuyến dưới chuyển lên, cơ sở này chuyển sang cơ sở khác.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố hạn chế mua sắm nên người bệnh dồn lên Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các chuyên khoa tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Điều này gây nên áp lực về cung ứng thuốc và vật tư y tế cho các bệnh viện trên địa bàn.
Hàng tuần, Tổ công tác hỗ trợ mua sắm, điều phối thuốc của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận thông tin về cung ứng thuốc, vật tư của các cơ sở và kịp thời hỗ trợ cho các bệnh viện.
Sau khi lắng nghe báo cáo của các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kết luận, việc thiếu thuốc vẫn xảy ra cục bộ ở một số nơi và một số thời điểm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay cơ chế về mua sắm đấu thầu thuốc đã thông thoáng, nhiều “điểm nghẽn” đã được tháo gỡ, do đó các cơ sở y tế cần chủ động và linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh đấu thầu tập trung đảm bảo nguồn thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh, không để xảy ra tình trạng người bệnh không được mổ vì thiếu vật tư y tế, người bệnh phải chờ đợi quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc nhở các bệnh viện lưu ý năng lực của nhà thầu để tránh tình trạng trúng thầu nhưng không đáp ứng được hoặc nhà thầu cung ứng vật tư kém chất lượng./.