Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗi lo an toàn thực phẩm đường phố mùa nắng nóng

Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo mùa nắng nóng là thời điểm thực phẩm dễ ôi thiu, nhất là thực phẩm đường phố và hàng rong quanh các cổng trường.

Gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện điều trị.

Sự việc tiếp tục là lời cảnh báo về vấn nạn thực phẩm mất an toàn, gây rủi ro, hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi nắng nóng đã bắt đầu gay gắt, những xe đẩy, gánh hàng rong vây kín cổng trường, hay tràn lan trên đường, càng đặt ra thách thức về việc quản lý thực phẩm đường phố.

Sáu giờ sáng, tại một trường học trên đường D8 thuộc phường Phú Mỹ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, dễ dàng bắt gặp hàng chục xe đẩy bán đủ các món ăn, từ bánh mỳ, xôi, cơm cuộn, đến xiên que… “vây” kín cổng trường.

Theo anh Nguyễn Văn Q (chuyên bán bánh mỳ trên đường D8), những “quán ăn di động” chủ yếu bán tập trung vài tiếng đồng hồ, sau đó dời đi nơi khác khi học sinh đã vào học. Để tiết kiệm chi phí, anh Q thường tự mua nguyên liệu tại chợ về chế biến từ đêm hôm trước, hoặc sáng sớm trước khi đi bán.

Tương tự, chị Huỳnh Ngọc Hoa, chuyên bán các món viên chiên rán trước cổng trường ở quận Tân Bình. Các xiên que được chế biến khá bắt mắt, mỗi phần dao động từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng.

Khi được hỏi về nguyên liệu chế biến món ăn, chị Hoa chia sẻ: “Tôi mua từ các khu chợ dân sinh gần nhà. Còn việc thực phẩm này có được truy xuất nguồn gốc không, hay truy xuất nguồn gốc như thế nào, tôi cũng không rành lắm.”

Sống ngay gần trường học, chị Nguyễn Thị Thanh Kiển, ngụ Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường dậy sớm để chế biến đồ ăn sáng, đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Dù vậy, cũng có những ngày bận rộn, hoặc muốn đổi món, chị Kiển cho phép các con tự mua đồ ăn sáng tại cổng trường. “Tôi đi cùng các con và lựa chọn quầy đồ ăn nào nhìn hợp mắt và sạch sẽ, lâu lâu để các con đổi món, mình cũng có chút thời gian để làm các việc khác, nhưng cũng vẫn lăn tăn về chất lượng đồ ăn ở đây,” chị Kiển cho biết.

Học sinh mua xiên que, trà sữa gần cổng trường. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Theo ghi nhận, tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh là chưa thực sự yên tâm về chất lượng thực phẩm bán quanh cổng trường, nhất là khi có không ít học sinh tại một số trường học bị ngộ độc, nôn ói, tiêu chảy khi sử dụng các món ăn mua trước cổng trường.

Để giảm thiểu nguy cơ thực phẩm bẩn len lỏi vào trường học, ban giám hiệu, các giáo viên chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở học sinh hạn chế sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứ khó có chế tài để xử lý triệt để những xe đẩy này.

Không chỉ tại các cổng trường, những xe đẩy, gánh hàng rong còn xuất hiện ở khắp nơi, nhất là tại các quận nội thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu dân cư đông đúc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Trần Ngọc Thúy, nhân viên văn phòng tại Quận 4 sống một mình, ngại nấu nướng buổi sáng, nên thường ưu tiên các món ăn chế biến sẵn, lạ miệng, dễ mua, dễ mang đi trên đường đi làm.

Khi được hỏi về chất lượng những món ăn này, chị Thúy chia sẻ: “Cũng có quan tâm đến an toàn thực phẩm bán trên đường nhưng nhiều khi không có thời gian nên dừng xe mua cho tiện. Khi ghé thường ở khu nào rồi, mình lựa chọn chỗ người quen hoặc chỗ nào sạch sẽ theo cảm quan để mua.”

Chính vì tâm lý nhanh, gọn, tiện của người tiêu dùng mà những “quán ăn di động” ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc với người dân tại đô thị bận rộn. Mặt tích cực của loại hình kinh doanh này là mang lại sự tiện lợi cho mọi người, từ nhân viên văn phòng, du khách, đến người dân, người lái xe công nghệ… nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thực phẩm.

Khi Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa nắng nóng, việc đảm bảo an toàn từ khâu chế biến, bảo quản, lưu trữ đến quá trình đưa thức ăn đến người tiêu dùng càng là một mối bận tâm lớn không riêng của người tiêu dùng, mà của cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Lam Phương, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và truyền thông, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, mùa nắng nóng là thời điểm thực phẩm dễ ôi thiu, nhất là thực phẩm đường phố và hàng rong quanh cổng trường.

Những xe đẩy này rất cơ động, di chuyển dễ dàng từ địa bàn này sang địa bàn khác, là mối nguy cao, khó kiểm soát, khó truy vết, vừa không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu thông dưới trời nắng nóng, vừa tiềm ẩn rủi ro nhiễm khuẩn khi dừng, đỗ, buôn bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nhất là học sinh, sau khi nhiều vụ ngộ độc mới đây liên tiếp xảy ra, lực lượng chuyên ngành và liên ngành tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra tại các điểm “nóng” tập trung nhiều “quán ăn di động,” khu dân cư đông đúc để kịp thời chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường hay kinh doanh ở những khu vực không phù hợp.

Lực lượng liên ngành cũng tích cực tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh đeo bao tay, khẩu trang, sử dụng tủ bảo quản thực phẩm, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn khi đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

“Quan trọng nhất là chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các bậc phụ huynh, nhà trường, nhắc nhở con em mình không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không mua bán, ghé ăn tại những điểm kinh doanh không đảm bảo sạch sẽ, dễ bị nhiễm khuẩn. Đẩy lùi thực phẩm không an toàn rất cần sự chung tay của người dân,” bà Phương chia sẻ.

Về lâu dài, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giám sát thực phẩm tại các vùng nguyên liệu, tổ chức lấy mẫu giám sát hàng hóa tại các chợ; đẩy mạnh các chương trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thủy hải sản tại các chợ đầu mối.

Sở vừa tuyên truyền vận động tiểu thương kinh doanh, buôn bán có trách nhiệm, vừa mạnh tay xử lý các vi phạm là biện pháp được Sở này quyết liệt triển khai để ngăn ngừa thực phẩm không an toàn len lỏi ra thị trường./.