Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 28 dự án Tăng trưởng Xanh
Thành phố Hồ Chí Minh chọn Tăng trưởng Xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển Tăng trưởng Xanh do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 24/1.
Ưu tiên Tăng trưởng Xanh vì tương lai
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) công bố cho thấy trung bình mỗi năm tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2; trong đó, có 3 nguồn thải chính từ hoạt động công nghiệp với gần 20 triệu tấn CO2, giao thông đóng góp hơn 13 triệu tấn CO2, còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Cùng với xu hướng chung của thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh chọn Tăng trưởng Xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Thành phố cũng đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 để xây dựng môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động tham khảo, hợp tác, phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng để đạt được mục tiêu giảm 10% phát thải CO2, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chiến lược phù hợp.
WB đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, ngập lụt, tài chính, sản xuất Xanh... Chỉ riêng tình trạng ngập lụt đã và đang gây thiệt hại kinh tế của thành phố có thể lên tới 250 triệu USD/năm và không ngừng tăng lên mỗi năm.
Theo bà Carolyn Turk, thành phố cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Ở nhiều nước, các chính sách ưu đãi về thuế được áp dụng đối với các doanh nghiệp phát triển xanh, nhưng điều này có thể gặp khó khăn ở một số nước, nhất là các nước đang phát triển. Do đó, WB sẽ đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải và cam kết hỗ trợ thành phố tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon.
Kêu gọi đầu tư 28 dự án phát triển Tăng trưởng Xanh
Để đạt được mục tiêu Tăng trưởng Xanh, trước mắt Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục 28 dự án nhằm kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển Tăng trưởng Xanh.
Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 3 dự án sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng.
Cũng trong lĩnh vực công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào các dự án nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn khác là khoảng 213 tỷ đồng và dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao là 345 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi đầu tư vào một số dự án tại Khu Đô thị Mới Thủ Thiêm như: Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng 7,7ha với tổng mức đầu tư 12.071 tỷ đồng; Khu phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại - dịch vụ 15,8 ha với vốn đầu tư 1.659 tỷ đồng; Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu Đô thị Mới Thủ Thiêm với số vốn 5.348 tỷ đồng.
Chiếm số lượng nhiều nhất trong danh mục này là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông như các dự án: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9km, tổng vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Dương đến đường Vành đai 3) dài 91km, tổng vốn dự kiến 7.200 tỷ đồng; xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và Đầu tư xây dựng Đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài hơn 19.800 tỷ đồng…
Thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi đầu tư cho 5 dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị như dự án Chợ Gà, Chợ Gạo; xây dựng lại lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt; chung cư 155-157 Bùi Viện; chung cư 90-98 Nguyễn Huệ; chung cư 62 Trần Hưng Đạo.
Tại Hội nghị, thông qua các tham luận từ các chuyên gia, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ rà soát lại hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất để giúp thành phố nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành một “Thành phố Xanh” dựa trên cơ sở một nền “Kinh tế Xanh."
Đồng thời, thành phố triển khai hiệu quả các dự án Tăng trưởng Xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thành phố trên thị trường quốc tế và trong nước với mục tiêu trở thành hình mẫu một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu./.