Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa hơn 2.000 sinh viên, lao động khó khăn về quê đón Tết
Chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” được tổ chức để đưa 2.200 sinh viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê ở miền Trung và Tây Nguyên đón Tết.
Ngày 31/1 (nhằm ngày 21 tháng Chạp âm lịch), tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn Thành phố tổ chức Chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” tiễn sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về quê đón Tết với chủ đề “Tết sum vầy, Xuân trọn vẹn.”
Tại chương trình, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thu Hà cho biết mỗi năm vào dịp Tết truyền thống của dân tộc, những người xa quê đều có mong muốn được trở về quê hương sum họp với người thân, trong đó có các bạn sinh viên học xa nhà.
Năm nay, tình hình kinh tế suy thoái do hậu quả của COVID-19 đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến các mặt đời sống xã hội, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhiều sinh viên, người lao động không đủ điều kiện kinh tế để mua vé xe về quê đón Tết cùng gia đình.
Trước hoàn cảnh cũng như nhu cầu thực tế của sinh viên, chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” năm nay được tổ chức để đưa 2.200 sinh viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về quê đón Tết tại các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Chương trình được tổ chức thành hai đợt; đợt 1 vào ngày 28/1/2024 và đợt 2 ngày 31/1.
Theo chị Trần Thu Hà, Ban Tổ chức hy vọng thông qua chương trình có thể lan tỏa tình nhân ái, sự sẻ chia, quan tâm của tổ chức Đoàn đến với thế hệ trẻ, qua đó cùng nhau vượt qua khó khăn, làm nên một mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc, trọn vẹn hơn.
Những vé xe, vé tàu về quê đón Tết được chương trình dành tặng sinh viên không chỉ là phương tiện mà còn là món quà Tết đặc biệt thể hiện thông điệp của tình thân ái, nhắc nhở giới trẻ giá trị của sức khỏe, lan tỏa giá trị truyền thống về ước nguyện đoàn viên, sum vầy của mỗi gia đình trong dịp Tết.
Là một trong những sinh viên được nhận vé xe miễn phí để về quê đón Tết, em Nguyễn Thị Đăng (quê ở Nghệ An), sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình có 2 thành viên là em và bà nội. Trong suốt những năm đi học, tiền sinh hoạt phí cũng như tiền học phí của Đăng là do bà em chu cấp, nhưng bà năm nay đã 68 tuổi nên có nhiều bệnh do tuổi tác và những cơn đau lưng thất thường khiến khả năng lao động bị giảm sút nhiều.
Do hoàn cảnh khó khăn, năm nay Đăng đã dự định không về quê đón Tết để giảm bớt một phần chi phí cho bà nhưng em may mắn được nhận vé xe từ chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” năm 2024.
Đăng cho biết việc được trở về với vòng tay yêu thương của bà, của gia đình là nguồn động viên lớn nhất đối với em trong dịp Tết năm nay, là nguồn động lực để em tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện trong thời gian tới.
Còn đối với Võ Viết Thọ (quê ở Quảng Trị), sinh viên trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đây là năm thứ hai em nhận được vé xe về quê đón Tết miễn phí từ chương trình “Chuyến xe mùa Xuân.”
Viết Thọ chia sẻ, em cảm thấy ấm lòng với sự quan tâm chia sẻ, chương trình đã mang đến cơ hội để em được trở về với gia đình thân yêu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Gia đình Thọ có 4 người, bố mẹ đều là nông dân, gia cảnh không khá giả. Năm vừa qua, thời tiết, mùa màng bất lợi khiến kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Ngoài giờ học, Thọ làm thêm nhiều công việc như giao hàng, phục vụ tiệc cưới, gia sư… để trang trải sinh hoạt phí. Tết năm nay, dù rất muốn về đón Tết với bố mẹ nhưng Thọ lại không đủ khả năng mua vé xe, vé tàu.
Do đó, cơ hội được tiếp tục tham gia chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” thật sự là một nguồn động viên to lớn đối với em. Thọ hy vọng chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều sinh viên, người lao động được về quê đón Tết trong những năm tới.
“Chuyến xe mùa Xuân” là chương trình được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002. Đến nay, đã có 61.125 sinh viên khó khăn được hỗ trợ về quê đón Tết.
Chương trình đã trở thành hoạt động ý nghĩa, mang giá trị nhân văn sâu sắc, được xã hội công nhận và lan tỏa đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học. Từ chương trình này, nhiều mô hình hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lao động khó khăn về quê đón Tết đã ra đời./.