Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa đề tài sử Việt lên sân khấu, đến gần với khán giả trẻ

Với cách dàn dựng hiện đại cùng nội dung phong phú, những vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu được đông đảo công chúng ở Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận, trong đó có người trẻ.

Poster vở diễn "Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt."

Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm sân khấu kịch nói, cải lương về đề tài lịch sử liên tục ra mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với cách dàn dựng hiện đại cùng nội dung phong phú, những vở diễn này được đông đảo công chúng đón nhận, trong đó có người trẻ.

Ngày 21/4, Nhà hát kịch Idecaf công diễn vở mới mang tên "Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt" (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn).

Đây là vở diễn được nhà hát dành nhiều tâm huyết, thu hút nhiều khán giả trong đêm đầu công diễn.

Nhà hát kịch Idecaf đang chuẩn bị dàn dựng liên tiếp 2 vở kịch về đề tài lịch sử theo phong cách mới là vở "Trần Thủ Độ - Anh hùng hay gian hùng" dưới dạng sân khấu thể nghiệm, mang màu sắc tươi mới, trẻ trung cùng vở "Nữ đại đế Đồng Đình-Mê Linh" theo thể loại kịch hát Nam Bộ-cải lương.

Theo kế hoạch, Vở "Nữ đại đế Đồng Đình - Mê Linh" sẽ biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi 10 suất, sau đó tập trung biểu diễn phục vụ học đường. Do đó, vở diễn tập trung chủ yếu vào không gian lịch sử, bớt nặng nề về lý luận, quan điểm để học sinh, sinh viên dễ theo dõi.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát kịch Idecaf, dựng vở với đề tài lịch sử rất khó, phải làm sao để vừa đảm bảo yếu tố lịch sử chính thống nhưng cũng phải có chất hư cấu văn học để tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ, thu hút người xem.

Khi quyết định đầu tư cho ba vở sử Việt, ông đã đến các tỉnh miền Trung tìm nghệ nhân đặt may và mua những bộ trang phục đúng với niên đại của sử Việt. Lâu nay, khâu thiết kế chưa thực sự chú trọng đúng như yêu cầu vở diễn nên các trang phục của vở diễn về lịch sử chưa có điểm nhấn.

Việc đầu tư trang phục cần theo đúng với những gì kịch bản quy định, tôn trọng đúng niên đại, đúng phẩm phục, chức sắc của từng nhân vật.

Bên cạnh đó, khâu sáng tác cần có sự cân nhắc, cẩn trọng trong sử dụng tư liệu; việc dàn dựng, đầu tư, cảnh trí, đạo cụ... cũng phải chỉn chu. Ngay cả yếu tố hư cấu trong sáng tác cũng đòi hỏi người viết phải cân nhắc giữa những gì tài liệu lịch sử để lại với các góc khuất, truyền thuyết để những sáng tạo không gây phản cảm, sai lệch về nội dung.

Tương tự, vở "Lê Đại Hành hoàng đế" viết về anh hùng Nguyễn Trung Trực đã được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh phúc khảo xong.

Vở "Lá cờ thêu 6 chữ vàng" về anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản đang được Nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Lê Nguyên Đạt gấp rút hoàn thành để công diễn vào tháng 5/2024.

Về vở diễn "Lá cờ thêu 6 chữ vàng," Nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, đây là vở nhạc kịch lấy chất liệu dân ca Nam bộ kết hợp ca vũ nhạc kịch dài khoảng 90 phút. Với không khí sinh động, tiết tấu nhanh, chủ đề rõ ràng, đạo diễn Lê Nguyên Đạt mong muốn phục vụ đối tượng khán giả là học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở.

Trước đó, một số vở kịch đề tài lịch sử như "Yêu là thoát tội" liên quan đến Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, và "Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân" đã được đơn vị đưa tới các buổi diễn tại trường học, trở thành giờ học ngoại khóa về văn-sử cho học sinh, sinh viên.

Một cảnh trong vở Tình sử Thăng Long.

Là người từng dàn dựng vở kịch lịch sử "Tình sử Thăng Long" ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân cho rằng, câu chuyện về cuộc tình gắn với vận mệnh đất nước giữa hoàng đế Quang Trung và công chúa Ngọc Hân cần được đưa đến nhiều khán giả, nhất là những người trẻ. Để tăng tính hấp dẫn, dễ tiếp cận khán giả trẻ, vở "Tình sử Thăng Long" được dàn dựng theo hướng hành động, mang tính giải trí.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân, làm kịch lịch sử phải làm sao vừa đảm bảo tính đúng đắn về mặt sự kiện, vừa phải đảm bảo độ hấp dẫn trong kịch bản. Bên cạnh đó, cách diễn xuất cũng đòi hỏi phải đào sâu độ tinh tế, vai diễn phải có sức sống, độ khái quát cao về tính sử trong dòng chảy của quá khứ.

Tuy nhiên, xây dựng kịch sử Việt đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư cho khâu kịch bản, thiết kế sân khấu, trang phục, âm nhạc... Do đó, cần có cơ chế đặc thù nhằm giúp các sàn diễn được giảm giá thuê rạp, hỗ trợ giá vé... để có thể phục vụ được đông đảo khán giả, nhất là các đối tượng khán giả không có thu nhập hay thu nhập thấp như học sinh, sinh viên, công nhân.

"Tình sử Thăng Long" là tác phẩm phóng tác từ kịch bản "Công chúa Ngọc Hân" của cố tác giả Lưu Quang Vũ được Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân đầu tư nhiều tâm sức trong kịch bản và tài chính trong bài trí sân khấu, với ba màn hình LED cỡ lớn giúp cảnh trí thêm sinh động, bắt mắt.

Phục trang được thương hiệu Việt phục Hoa Niên may, vừa bám sát lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ sân khấu. Với nhiều học sinh, sinh viên, vở diễn còn là một buổi học lịch sử vô cùng thiết thực, vừa giúp các em tiếp thu, thấm nhuần một cách dễ dàng mà vẫn không thiếu yếu tố nhẹ nhàng, giải trí./.